Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn AFP của Pháp, chuyên gia kinh tế cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gian Maria Milesi-Ferretti cho biết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang khiến nền kinh tế thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng, việc chính phủ các quốc gia trên toàn cầu triển khai các chương trình chi tiêu khổng lồ nhằm cứu vớt nền kinh tế có thể sẽ làm tăng thêm các khoản nợ quốc gia, cũng như gây ra thâm hụt ngân sách.
Tuy nhiên, ông cho rằng đây không phải là thời điểm để lo lắng hay bận tâm và liều thuốc tốt nhất là cần chuẩn bị khởi động lại sự tăng trưởng khi đại dịch COVID-19 qua đi.
Cũng theo chuyên gia Gian Maria Milesi-Ferretti, hồi đầu năm nay, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 3,3%, nhưng trước diễn biến bất thường của đai dịch COVID-19, IMF gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống còn 3%.
Việc thay đổi dự báo là do bối cảnh dịch bệnh tại nhiều quốc gia diễn biến bất thường dẫn tới các nước có thể kéo dài các lệnh phong tỏa, khiến hoạt động kinh tế thương mại bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
[Sẽ diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu tồi tệ nhất trong 90 năm]
Việc đưa ra dự báo đối với vấn đề kinh tế là rất khó và các dự báo thường sai.
Có nhiều lý do dẫn tới dự báo sai. Thông thường, dự báo kinh tế có thể sai do diễn biến kinh tế bất thường hoặc một sai lầm trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, đối với lần này, việc IMF thay đổi dự báo là do bản chất của đại dịch COVID-19.
Cũng theo ông Gian Maria Milesi-Ferretti, việc chính phủ các nước đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19 bằng cách tung ra các chương trình chi tiêu khổng lồ, có thể gây ra các khoản nợ mới, cũng như dẫn đến thâm hụt ngân sách mặc dù biện pháp này lúc này là rất quan trọng và cần thiết.
Đối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang phải đối mặt với một trong những cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất, ông Gian Maria Milesi-Ferretti cho rằng bênh cạnh những phản ứng mạnh mẽ đến từ riêng từng nước, Khu vực đồng tiền chung châu Âu phải có một phản ứng mạnh mẽ ở cấp độ khối.
Các nước trong khu vực này cần thể hiện sự đoàn kết trong giai đoạn căng thẳng hiện nay./.