Dịch COVID-19: Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong tăng vọt

Trong 24 giờ qua, nhiều quốc gia trên toàn thế giới ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tăng vọt khi biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh hơn.
Dịch COVID-19: Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong tăng vọt ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Số ca nhiễm mới theo ngày tại Hàn Quốc ghi nhận ngày 2/7 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 6 tháng qua với 826 ca nhiễm mới, trong đó 765 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 của Hàn Quốc, hiện tổng số ca tăng lên 158.549 ca.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc cũng có thêm 3 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 2.024 ca.

[Chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo sự nguy hiểm của biến thể Delta]

Theo giới chức y tế, hơn 80% số ca mắc mới là ở Seoul và khu vực lân cận, nơi một nửa trong tổng số 51,34 triệu người sinh sống.

Họ cảnh báo số ca nhiễm mới có thể tăng cao hơn nữa khi có thêm nhiều các hoạt động ngoài trời được tổ chức trong khi biến thể Delta lại có khả năng lây lan mạnh hơn.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Hàn Quốc đã phải hoãn kế hoạch nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội 1 tuần, đến ngày 7/7 tới.

Theo số liệu của Chính phủ Anh, ngày 1/7, nước này ghi nhận 27.989 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 29/1, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 4.828.463 ca.

Với số ca nhiễm mới tăng vọt này, số ca bệnh tại Anh trong một tuần tính từ ngày 25/6 đến 1/7 đã tăng gần 72% so với tuần trước đó.

Tính đến ngày 30/6, tại Anh có 44,9 triệu người đã nhận được ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 33 triệu người đã nhận đủ 2 liều.

Cùng ngày, Tây Ban Nha ghi nhận 12.345 ca nhiễm mới và 8 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh và tử vong trên cả nước lên lần lượt là 3.821.305 ca và 80.883 ca.

Số liệu của Bộ Y tế cho thấy số ca mắc mới theo ngày trong tuần này tại Tây Ban Nha ở mức cao nhất kể từ giữa tháng 4, trong đó một phần nguyên nhân là do biến thể Delta có khả năng lây lan cao hơn.

Tỷ lệ lây nhiễm trung bình trong 14 ngày đã tăng từ mức 117 ca/100.000 người tính đến ngày 30/6 lên 134 ca/100.000 người tính đến ngày 1/7.

Tỷ lệ lây nhiễm này bắt đầu tăng từ giữa tháng 6 sau khi đạt mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020 (với tỷ lệ khoảng 90 ca/100.000 người).

Sau khi tỷ lệ lây nhiễm giảm trong vài tháng qua nhờ chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, Chính phủ Tây Ban Nha đã nới lỏng các biện pháp hạn chế và ngày 26/6 vừa qua, nước này đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc khi đi ra ngoài.

Đến nay, gần 38% dân số Tây Ban Nha đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19.

Ngày 1/7, Bộ Y tế Guatemala đã đưa ra cảnh báo “đỏ,” mức cảnh báo cao nhất, trước tình trạng số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 cao kỷ lục trong vòng 15 ngày qua, với 751 ca tử vong.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, Bộ Y tế Guatemala cho biết việc ban hành mức báo động trên cho phép thiết lập các cơ chế để giải quyết tình trạng khẩn cấp do sự gia tăng các ca nhiễm mới, đảm bảo dự trữ ôxy, vật tư, trang thiết bị cho bệnh nhân và cập nhật số giường còn trống tại các bệnh viện.

Cơ quan y tế cũng khuyến nghị ngừng các sự kiện lớn và các hoạt động văn hóa, thể thao tập trung đông người.

Guatemala đang đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ 4 khi có tới 74% số giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19 đã được sử dụng. Quốc gia Trung Mỹ với hơn 17,6 triệu dân này đã ghi nhận gần 294.000 ca nhiễm, trong đó có hơn 9.200 ca tử vong.

Dịch COVID-19: Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong tăng vọt ảnh 2Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Algiers, Algeria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tính đến ngày 1/7, Algeria ghi nhận tổng cộng 140.075 ca mắc, trong đó 3.726 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 449 ca nhiễm mới và 10 ca tử vong. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất trong làn sóng dịch bệnh thứ 3 bùng phát tại nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế Algeria kêu gọi mọi người dân phải cảnh giác và tôn trọng các quy tắc vệ sinh dịch tễ, giãn cách xã hội, đặc biệt là tuân thủ việc cách ly và đeo khẩu trang.

Algeria hiện đứng thứ 10 trong danh sách 10 quốc gia châu Phi có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất, sau Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia, Ai Cập, Libya, Kenya, Nigeria và Zambia. Trong đó, nhiều nước châu Phi đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới với số ca nhiễm mới tăng nhanh trong những ngày qua, đặc biệt là Nam Phi, Tunisia, Zambia...

Nam Phi ghi nhận thêm 21.854 ca mắc mới và 382 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, tiếp theo là Tunisia với 6.776 ca nhiễm mới và 106 ca tử vong, Zambia với 2.884 ca bệnh mới và 72 ca tử vong.

Ngày 2/7, Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 theo ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 6.087 ca nhiễm mới và 61 trường hợp không qua khỏi trong 24 giờ qua. 

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca tử vong vì COVID-19 ở Thái Lan tăng lên một mức cao mới, nâng tổng số người không qua khỏi lên 2.141 người trong tổng số 270.921 ca nhiễm kể từ đầu mùa dịch tới nay.

Trong khi Chính phủ Thái Lan lạc quan về kế hoạch mở cửa trở lại hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Phuket, các nhân viên y tế ở vùng Bangkok mở rộng đang phải vật lộn để đối phó với sự gia tăng các ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19.

Các bệnh viện đang trong tình trạng thiếu giường bệnh tại khu điều trị tích cực (ICU) và nhân viên để chăm sóc bệnh nhân nặng.

Bộ Y tế Thái Lan đã phải huy động 144 bác sĩ mới tốt nghiệp từ một số tỉnh để giúp chăm sóc bệnh nhân trong bối cảnh thiếu nhân lực y tế ở Bangkok. Đây là lần đầu tiên bộ trên phải điều động bác sĩ mới ra trường cho một mục đích đặc biệt.

Giới chức y tế Thái Lan cho rằng Bangkok và các tỉnh lân cận hiện đang rơi vào khủng hoảng thực sự và đã có nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong tại nhà.

Trong khi đó, trợ lý phát ngôn viên của Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) Apisamai Srirangson cho biết làn sóng các công nhân ở những công trường xây dựng  bị đóng cửa ở Bangkok về quê là nguyên nhân làm gia tăng các ca nhiễm mới ở 32 tỉnh.

Theo bà Apisamai, thực tế này buộc chính quyền các địa phương phải ban hành lệnh yêu cầu người dân và các quan chức địa phương cảnh giác cao nhất. Người dân không bị cấm trở về nhà, nhưng mỗi người phải có trách nhiệm phòng, chống lây lan dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục