Dịch COVID-19: Nhiều chợ cóc, chợ tạm tại Hà Nội dừng hoạt động

Các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn thành phố Hà Nội cơ bản được giải tỏa triệt để; các chợ truyền thống chỉ bán hàng hóa thiết yếu, thực hiện nghiêm túc các biện pháp trong chống dịch, đảm bảo 5K.
Các chợ cóc, chợ tạm như thế này tại địa bàn Hà Nội đã cơ bản dừng hoạt động từ ngày 25/7. (Nguồn: TTXVN)
Các chợ cóc, chợ tạm như thế này tại địa bàn Hà Nội đã cơ bản dừng hoạt động từ ngày 25/7. (Nguồn: TTXVN)

Ngày thứ 2 Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ cho thấy nhiều chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn đã không còn hoạt động; các chợ truyền thống chấp hành nghiêm chỉ bán hàng thiết yếu; nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân được đảm bảo.

Trong chiều 25/7, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đi kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố tại hai huyện Chương Mỹ, Thanh Oai.

Trực tiếp kiểm tra các hệ thống phân phối, chợ dân sinh và doanh nghiệp trong khu công nghiệp; làm việc với lãnh đạo hai huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu, các địa phương đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại các hệ thống phân phối, chợ, khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ hơn nữa việc phòng chống COVID-19 tại các địa phương, phải luôn duy trì cảnh giác cao độ, không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch; với quyết tâm cao nhất là giữ vững an toàn cho Thủ đô, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; trong đó, quan trọng nhất là tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu, chấp hành các nội dung của Chỉ thị 17 của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Cùng với đó, kết hợp quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm từ lực lượng chức năng để xây dựng tính tự giác, tự quản từ người dân ở mỗi gia đình, mỗi tổ dân phố, khu dân cư...

Báo cáo với đoàn kiểm tra thành phố về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện, đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Oai cho biết, địa phương đã tuyên truyền rộng rãi đến người dân về việc thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày từ 6 giờ ngày 24/7; đóng cửa 100% các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.

Các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn cơ bản được giải tỏa triệt để; các chợ truyền thống thực hiện nghiêm túc các biện pháp trong chống dịch, đảm bảo 5K.

Ban chỉ đạo huyện cũng tiến hành lấy 100 mẫu tại 5 chợ trên địa bàn và 100% mẫu xét nghiệm âm tính.

Đối với việc bình ổn thị trường, địa phương đã cập nhật và bổ sung phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; bổ sung kịch bản dự trữ, cung cấp 15 mặt hàng thiết yếu đầy đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân từng cấp độ dịch.

[Hà Nội: Thêm 7 ca mắc COVID-19 mới, có 2 ca phát hiện ngoài cộng đồng]

Đồng thời, địa phương dự kiến 5 kịch bản về số lượng nhu yếu phẩm sẵn sàng cung ứng cho người dân ở các khu vực phong tỏa cách ly với các tình huống số lượng người trong khu phong tỏa, cách ly từ 300 người đến 130.000 người trong thời gian 28 ngày.

Cùng với đó, thường xuyên liên hệ, đôn đốc các doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa đảm bảo dự trữ đầy đủ hàng hóa theo phương án của huyện.

Về phòng, chống dịch tại các cụm công nghiệp, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, bên cạnh việc tập huấn cho lãnh đạo doanh nghiệp, huyện cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19 theo quy trình hướng dẫn của Sở Công Thương Hà Nội.

Đặc biệt, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về giãn cách xã hội, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất kinh doanh phải có báo cáo và cam kết phòng, chống COVID-19 và kế hoạch tổ chức sản xuất kinh doanh như: đăng ký danh sách người lao động, chuyên gia với chính quyền địa phương, bố trí chỗ ăn nghỉ trực tiếp tại doanh nghiệp, phương án đưa đón tập trung…

Với phương châm "mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi gia đình là một lô cốt," trên tinh thần chủ động 3 trước "nhận diện trước; chuẩn bị phương án, lực lượng, vật tư trước; phát hiện, hành động, xử lý trước," Ủy ban Nhân dân huyện đã xây dựng các phương án đáp ứng với tình huống dịch lan rộng ở cấp độ nguy cơ rất cao; đồng thời sẵn sàng chuẩn bị huy động nhân lực, vật lực, trang thiết bị….

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sau 1 ngày thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND, các kênh thông tin đều phản ánh hàng hóa đầy đủ.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã giải quyết nhanh một số vướng mắc cho doanh nghiệp vận chuyển, phân phối và tiếp tục xem xét tháo gỡ những khó khăn khác.

Qua kiểm tra tại một số hệ thống phân phối hàng tiêu dùng, chợ dân sinh trên địa bàn 2 huyện, việc phòng, chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị 17 của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Các hệ thống phân phối hàng tiêu dùng đảm bảo phòng dịch đúng yêu cầu, đóng cửa các khu vực bày bán các mặt hàng không thiết yếu; đồng thời, có hệ thống kho, bãi tập kết sẵn sàng số lượng lớn hàng hóa thiết yếu theo chỉ đạo của thành phố. Số lượng chủng loại hàng hóa đầy đủ, phong phú, giá cả không có biến động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục