Dịch COVID-19: Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, thành

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp cho phép chính quyền các địa phương chỉ thị hạn chế sử dụng hoặc tạm thời đóng cửa các cơ sở tập trung đông người như trường học, trường mẫu giáo, các cơ sở phúc lợi.
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 khi di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản ngày 25/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 khi di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản ngày 25/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong nỗ lực khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ngày 7/4, Thủ tướng Shinzo Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, thành tại Nhật Bản, gồm thủ đô Tokyo cùng với các tỉnh Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka.

Đây là lần đầu tiên tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh được ban bố ở Đất nước Mặt trời mọc.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số người mắc COVID-19 ở nhiều thành phố lớn của Nhật Bản, trong đó có thủ đô Tokyo và Osaka, đang tăng nhanh một cách đáng báo động.

Đáng chú ý, giới chức y tế nước này đã không thể xác định được con đường lây truyền của nhiều ca nhiễm bệnh.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Abe nói: “Tôi quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp bởi vì chúng ta đã bước vào giai đoạn sự lây lan của virus đã nhanh hơn và khắp trên cả nước, và có nguy cơ tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế.”

Theo luật sửa đổi luật đặc biệt về phòng chống dịch cúm mà Quốc hội Nhật Bản thông qua hôm 13/3, việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép chính quyền các địa phương chỉ thị hạn chế sử dụng hoặc tạm thời đóng cửa các cơ sở tập trung đông người như trường học, trường mẫu giáo, các cơ sở phúc lợi xã hội, rạp chiếu phim hay sân vận động.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương có thể yêu cầu người dân hạn chế đi ra ngoài đường ngoại trừ một số trường hợp nhất định như mua thực phẩm hay đi khám bệnh.

[Thủ tướng Nhật Bản công bố gói cứu trợ gần 1.000 tỷ USD]

Nếu các bệnh viện bị quá tải, thống đốc các tỉnh, thành có thể sung công đất tư nhân hoặc các tòa nhà trong một số trường hợp nhất định để xây dựng các cơ sở y tế tạm thời mà không cần phải nhận được sự đồng thuận của chủ sở hữu.

Họ cũng có thể trưng thu lương thực và vật tư y tế từ những công ty từ chối bán và buộc các công ty phải giúp vận chuyển các hàng hóa khẩn cấp.

Theo dự kiến, tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực đến ngày 6/5.

Trước đó, Thủ tướng Abe đã kêu gọi đóng cửa tạm thời tất cả các trường học, đồng thời kêu gọi ban tổ chức các sự kiện thể thao và giải trí lớn hủy bỏ hoặc tạm hoãn các sự kiện này. Tuy nhiên, những yêu cầu này không có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Tính đến ngày 5/4, Nhật Bản đã có 104 trường hợp tử vong vì bệnh COVID-19, trong đó có 11 người trên du thuyền Diamond Princess đang neo ở cảng Yokohama và 93 người trong nội địa Nhật Bản; và 4.563 ca mắc, trong đó có 712 người trên du thuyền Diamond Princess và 3.851 người trong nội địa.

Tokyo hiện là địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất ở nước này.

Chỉ riêng trong ngày 5/4, thủ đô Tokyo đã ghi nhận thêm 143 ca nhiễm mới. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất ở thành phố này.

Với 1.034 ca mắc COVID-19 vào cuối ngày 5/4, tổng số người nhiễm ở Tokyo đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000. Chính vì vậy, trong những ngày gần đây, bà Yuriko Koike, Thị trưởng Tokyo, và Hiệp hội Y tế Nhật Bản đã liên tục hối thúc Thủ tướng Abe ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục