Dịch COVID-19: Nhà mạng Việt làm gì khi nhu cầu Internet tăng vọt?

Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp viễn thông đã đưa ra nhiều giải pháp bảo đảm hạ tầng, giảm giá cước, tăng khuyến mại giúp người dân thực hiện tốt cách ly xã hội mà vẫn duy trì được hoạt động từ xa.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Datafloq.com)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Datafloq.com)

Trước bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, lưu lượng sử dụng Internet cho các hoạt động giải trí, học tập, làm việc trực tuyến tăng cao, cơ quan chức năng và các nhà mạng đã đưa ra nhiều phương án để bảo đảm chất lượng mạng lưới, hỗ trợ người dùng

Tăng tới 90%

Theo số liệu thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), lưu lượng chuyển qua trạm trung chuyển Internet quốc gia tăng đến 40% trong thời gian vừa qua. Tại các khu vực cách ly, lưu lượng tháng 3/2020 tăng đột biến 90% so với tháng 2/2020, tập trung chủ yếu vào lưu lượng từ các ứng dụng hội nghị làm việc trực truyến, dạy và học trực tuyến, giải trí trực tuyến,…

Theo phản ánh của một số người dùng  đường truyền Internet trong quá trình làm việc từ xa đôi lúc chưa ổn định, phần lớn xuất phát từ các cuộc họp, học tập trực tuyến với số lượng người tham gia đông.

Lý giải điều này, các chuyên gia công nghệ chỉ ra một vài nguyên nhân.

Cụ thể, đường truyền tại cơ quan, doanh nghiệp có gói cước và tốc độ cao hơn đăng ký ở hộ gia đình; hệ thống cung cấp Internet cho doanh nghiệp cũng tân tiến và đắt tiền hơn bộ được lắp đặt miễn phí cho hộ gia đình. Khi làm việc tại nhà, đối với máy tính cá nhân, nhiều người dùng không biết máy mình nhiễm virus. Trong khi đó, virus có thể sử dụng tín hiệu đường truyền Internet và tài nguyên hệ thống cho mục đích khác khiến tốc độ kết nối mạng của máy bị chậm.

Bên cạnh đó, tại các khu vực có đông hộ dân cùng sinh sống, nhiều mạng wifi được lắp cạnh nhau khiến chồng chéo kênh, dẫn đến nhiễu tín hiệu. Ngoài ra, khi thực hiện cách ly toàn xã hội, nhiều người trong nhà truy cập Internet cùng một lúc cũng dẫn đến việc kết nối chậm.

Dịch COVID-19: Nhà mạng Việt làm gì khi nhu cầu Internet tăng vọt? ảnh 1(Ảnh minh họa)

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng trong bối cảnh người dùng sử dụng Internet tăng cao vào những ngày tới đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ các doanh nghiệp viễn thông.

Ông Liên lưu ý người dùng cần thiết lập thói quen sử dụng mạng hiệu quả, tránh lãng phí. Người dùng không nên truy cập vào nhiều website, mở nhiều ứng dụng trên Internet cùng một lúc.

Cùng lúc, người dùng nên cẩn trọng bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình trực tuyến; thường xuyên phản hồi đến nhà mạng chất lượng đường truyền để nhà mạng nắm được vấn đề nằm ở đâu và cần làm gì để cải thiện phục vụ khách hàng.

Nhà mạng ứng phó thế nào?

Ngày 31/3, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 1103/BTTTT-CVT yêu cầu các nhà mạng bảo đảm liên lạc, chất lượng dịch vụ viễn thông trong phòng chống dịch COVID-19.

Mới đây nhất, trong ngày 1/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cuộc họp với các doanh nghiệp viễn thông thực hiện một số chương trình nhằm hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn trong dịch COVID-19.

Cụ thể, các doanh nghiệp viễn thông cần bảo đảm chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân, nâng tốc độ tối thiểu của nhiều gói cước dịch vụ truy nhập internet cố định lên 50% nhưng không tăng giá, tăng dung lượng sử dụng dữ liệu data của nhiều gói cước lên 50% nhưng không tăng cước. Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông sẽ có nhiều chương trình ưu đãi như giảm giá, giãn nợ cước, tặng dữ liệu, miễn cước sử dụng các nội dung học tập, giải trí, nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau theo từng đối tượng.

Tại cuộc họp, các nhà mạng đã  cam kết đồng hành phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất trong thời điểm dịch bệnh và nhất trí với các phương án của Bộ đưa ra.

[Sẽ mở rộng băng thông Internet phục vụ làm việc, học tập từ xa]

Các doanh nghiệp cũng thống nhất rằng, đối với phương án tăng dung lượng sử dụng dữ liệu data của nhiều gói cước lên 50%, Cục Viễn thông nên có định hướng cụ thể là tăng dung lượng như thế nào để có sự thống nhất giữa các nhà mạng, tránh tình trạng tăng không đồng đều.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đã chỉ đạo Cục Viễn thông ngay sau cuộc họp cần thống nhất giải pháp với nhà mạng, bảo đảm tặng khách hàng dung lượng phải có chất lượng tốt nhất.

Theo ông Tô Dũng Thái - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, đơn vị này sẽ nâng băng thông Internet lên mức tối thiểu 50Mb để đảm bảo nhu cầu làm việc từ xa của khách hàng. VNPT cũng tăng gấp đôi tốc độ đường truyền Internet với các gói Home Combo với giá không đổi từ 50Mbps lên 100Mbps và có thể nâng thêm đến 150Mbps.

Gói cước này cũng được gia tăng dung lượng Data và mở rộng ưu đãi phút gọi, qua đó đáp ứng toàn diện nhu cầu liên lạc, làm việc, học tập và giải trí của người dân.

Cũng từ 01/04/2020, VinaPhone (thuộc tập đoàn VNPT) sẽ áp dụng Gói cước 0đ cho tất cả thuê bao thuộc nhóm đội ngũ phòng chống dịch tại các tuyến đầu trên cả nước và những người dân tại các khu cách ly. Theo đó, các thuê bao sẽ có mỗi tháng 1.500 phút gọi nội mạng, 50 phút gọi ngoại mạng và 60GB data tốc độ cao (2GB/ngày). Chương trình được áp dụng đến khi Việt Nam công bố hết dịch.

Đại diện VinaPhone trên cả nước sẽ liên hệ các bệnh viện, chung tâm y tế hay ban chỉ đạo phòng chống dịch để triển khai ưu đãi gói cước 0đ này đến nhóm khách hàng trên. Trước nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến tại nhà tăng cao, VinaPhone đang bổ sung 18% tổng số trạm và 35% dung lượng core để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời gian tới.

Dịch COVID-19: Nhà mạng Việt làm gì khi nhu cầu Internet tăng vọt? ảnh 2Các nhà mạng cam kết sẽ đảm bảo chất lượng sử dụng Internet cho người dân. (Ảnh minh họa)

Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết ngay từ những ngày đầu, tập đoàn đã chủ động sát cánh cùng với ban chỉ đạo để đưa ra các giải pháp nhằm kịp thời chống dịch.

Khi Cục Viễn thông có chỉ đạo để đảm bảo kết nối cho người dân làm việc từ xa, Viettel đã chủ động nâng mức độ băng thông từ 1,5 - 2 lần. Đối với di động, Viettel cũng chủ động nâng dung lượng trên trạm 4G, cơ bản đảm bảo được băng thông cho thuê bao 4G.

Viettel cũng nhất trí với đề xuất tặng dung lượng, có thể là khoảng 50% cho khách hàng. 

Nhà mạng này cũng đã chủ động bám sát các điểm cách ly để sẵn sàng các phương án miễn phí WiFi tại đó. Đối với những người cách ly 14 ngày, Viettel sẽ có các gói cước về thoại và data cho khách hàng. Phạm vi áp dụng gói cước này là trên toàn quốc, ít nhất là trong thời gian chống dịch. 

Ngoài ra, Viettel đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng như tập trung nâng cao chất lượng mạng lưới tại các khu cách ly tập trung trên toàn quốc để phục vụ nhu cầu liên lạc, giải trí kết nối công việc cho người dân.

Cụ thể tại 178 điểm cách ly tập trung tại 54 tỉnh/thành phố đã được giám sát, bổ sung nâng cấp tài nguyên, hạ tầng và triển khai các xe phát sóng lưu động; bố trí tổ chức lực lượng giám sát mạng lưới hàng ngày và ưu tiên xử lý các sự cố phát sinh,…

Đối với MobiFone, đơn vị này chuẩn bị ra mắt gói cước C120 với nhiều ưu đãi đành cho các thuê bao ở tuyến đầu chống dịch.

Theo kế hoạch, MobiFone sẽ sớm triển khai gói cước này theo danh sách thuê bao được hỗ trợ mà Bộ Thông tin và Truyền thông công bố. MobiFone cũng đang lên kế hoạch tăng thêm data cho các gói dịch vụ của người dùng di động và muốn được triển khai nhanh trong một vài ngày tới để giải quyết ngay vấn đề thời sự. /.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục