Dịch COVID-19 ngày 8/12: Thế giới ghi nhận hơn 68 triệu ca mắc

Hiện tại, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 290.880 ca tử vong trong tổng số 15.377.814 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 141.036 ca tử vong trong số 9.710.037 ca bệnh.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22 giờ 00 ngày 8/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 68.113.497 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.554.117 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 47.174.437 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 290.880 ca tử vong trong tổng số 15.377.814 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 141.036 ca tử vong trong số 9.710.037 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 177.388 ca tử vong trong số 6.628.065 bệnh nhân.

Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 150 người tử vong. Tiếp đến là Peru (với 110 người) và Tây Ban Nha (100 người).

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 19,9 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 450.000 ca tử vong.

Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 460.200 ca tử vong trong hơn 13,5 triệu ca nhiễm.

Bắc Mỹ có hơn 296.400 ca tử vong trong hơn 15,3 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 201.000 ca tử vong trong hơn 12,8 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 82.300 ca tử vong, châu Phi có hơn 54.100 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 942 người.

Châu Á: số ca mắc mới COVID-19 của Ấn Độ giảm mạnh

Tại châu Á, số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ trong 24 giờ qua đã giảm đáng kể sau khi trong ngày 8/12, nước này ghi nhận 26.567 ca dương tính với virus SARS CoV-2, mức thấp nhất trong 5 tháng qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 9,7 triệu ca, trong đó có 140.958 trường hợp tử vong.

Những ngày qua, tốc độ lây nhiễm COVID-19 tại các vùng dịch lớn ở Ấn Độ là Maharashtra, Kerala, Tây Bengal và Delhi đã chậm lại.

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trong cộng đồng, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng đã chỉ đạo đóng cửa tạm thời tòa nhà Bộ Nội vụ, triển khai xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và thực hiện cách ly 14 ngày đối với toàn bộ nhân viên, quan chức thuộc bộ này.

Chỉ đạo này được đưa ra sau khi Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen khuyến nghị Bộ Y tế ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng đối với tất cả các nhân viên, quan chức thuộc Bộ Nội vụ sau sự cố lây nhiễm cộng đồng hôm 28/11 liên quan tới gia đình ông Chem Savuth, Tổng Cục trưởng Tổng cục trại giam (thuộc Bộ Nội vụ Campuchia).

Bộ Giáo dục-Thanh niên và Thể thao Campuchia thông báo hoãn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (dự kiễn diễn ra trong các ngày 21-22/12) đến tháng 1/2021 do tình trạng lây nhiễm cộng đồng bùng phát.

Trước đó, các trường tư thục tại Campuchia đã tạm thời đóng cửa trong 2 tuần.

Nội các Israel cũng đã thông báo lệnh giới nghiêm ban đêm sau khi số ca nhiễm mới COVID-19 tăng mạnh trở lại. Lệnh giới nghiêm sẽ được áp đặt trong vòng 3 tuần, bắt đầu từ 8/12.

Trong suốt thời gian giới nghiêm, mọi hoạt động thương mại sẽ bị cấm, trong khi người dân được yêu cầu hạn chế đi lại giữa các vùng, đồng thời tăng mạnh các mức phạt đối với những người vi phạm.

Tại châu Đại dương, bang Western Australia của Australia thông báo miễn quy định cách ly đối với du lịch đến bang này.

Đây là lần đầu tiên trong vòng 8 tháng qua, bang Western Australia cho phép khách du lịch tới mà không phải cách ly, một dấu hiệu mới nhất cho thấy nước này đang dần trở lại trạng thái bình thường.

Châu Mỹ: Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp

Tại châu Mỹ, Chile thông báo lệnh phong tỏa mới tại thủ đô Santiago sau khi số ca mắc mới COVID-19 tăng đột biến trong tuần qua.

Bộ trưởng Y tế Enrique Paris cho biết biện pháp trên được đưa ra nhằm tránh áp đặt một lệnh cách ly hoàn toàn.

Quốc gia 19 triệu dân này đã phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên từ tháng Ba và chạm đỉnh hồi tháng Sáu với mức trung bình hơn 5.000 ca nhiễm mới/ngày.

Ở thời điểm đó, Chile đứng thứ hai trên thế giới, sau Qatar, về tỷ lệ ca nhiễm tính theo trung bình đầu người.

Các trường tiểu học công lập tại thành phố New York (Mỹ) đã mở cửa đón học sinh trở lại trường học, trong khi giới chức nước này cảnh báo hoạt động ăn uống trong nhà tại các nhà hàng có thể tạm thời bị cấm trong vài ngày tới, nếu số ca nhập viện do mắc COVID-19 vẫn ở mức cao.

Học sinh tiểu học tới lớp trong ngày đầu tiên trường học mở cửa trở lại tại New York, Mỹ ngày 7/12/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

New York là một trong những nơi có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất ở Mỹ song sự gia tăng số ca mắc trong thời gian gần đây, cùng với số người nhập viện tăng mạnh khiến nhà chức trách lo ngại.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo dự đoán số ca nhập viện sẽ tiếp tục tăng do người dân Mỹ nghỉ Lễ Tạ ơn hồi tháng trước và đang chuẩn bị cho lễ Giáng sinh.

Trong khi đó, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cảnh báo việc các gia đình tụ họp trong dịp nghỉ lễ có thể đẩy số ca mắc mới tăng cao trong tháng tới.

Tại bang California, đợt phong tỏa nghiêm ngặt nhất nước Mỹ đã bắt đầu có hiệu lực trong ngày 7/12 với khoảng 33 triệu cư dân phải tuân thủ lệnh ở trong nhà.

Bang đông dân nhất cả nước này đang có số ca nhiễm bệnh COVID-19 liên tục đạt những mốc cao mới, trong khi giường bệnh điều trị tích cực trong các bệnh viện hoạt động hết công suất.

Theo lệnh phong tỏa mới, hầu hết các văn phòng phải đóng cửa và việc tụ tập giữa các hộ gia đình khác nhau cũng bị cấm.

Các quán bar và các loại hình kinh doanh dịch vụ như tiệm làm tóc cũng phải đóng cửa, trong khi các nhà hàng chỉ được phép phục vụ đồ mang đi.

Thống đốc bang California Gavin Newsom cho biết lệnh ở trong nhà mới ảnh hưởng tới phần lớn cư dân bang này, đồng thời cảnh báo hệ thống y tế bang có nguy cơ "quá tải."

Châu Âu: Pháp sắp dỡ bỏ lệnh phong tỏa

Tại châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa vào ngày 15/12 nếu số ca mắc COVID-19 giảm xuống dưới mức 5.000 ca/ngày.

Tuy nhiên, giới chức y tế cho rằng mục tiêu này khó thực hiện và nước Pháp vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch bệnh mới.

Cụ thể, số ca nhiễm mới đã giảm từ mức kỷ lục 50.000-60.000 ca/ngày hồi cuối tháng 10/2020 xuống mức trung bình 10.000 ca/ngày trong tuần qua, nhưng tốc độ giảm đang chững lại trong vài ngày qua.

Trong 24 giờ qua, Pháp đã ghi nhận hơn 11.000 ca mắc mới, trong khi số ca nguy kịch hiện là 3.210 ca, cao hơn mức tối đa đặt ra là 3.000 ca. Số ca tử vong tại Pháp được ghi nhận là 55.521.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 25/11/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong khi đó, Chính phủ Hy Lạp thông báo kéo dài các biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19 đến ngày 7/1/2021, viện dẫn các biện pháp hạn chế áp dụng từ tháng trước chưa phát huy tác dụng.

Ngoài việc các trường học, nhà hàng, câu lạc bộ, tòa án và trung tâm thể thao phải đóng cửa, việc đi lại giữa các vùng địa lý cũng bị cấm.

Những người có kế hoạch đến vùng khác cũng phải hoàn tất việc xét nghiệm PCR theo quy trình và cách ly trong vòng 10 ngày.

Trường hợp ngoại lệ mở cửa chỉ được áp dụng với các cửa hàng bán đồ lễ Giáng sinh.

Với tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng cao hơn 20% so với đợt phong tỏa trước, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết sẽ áp đặt quy định hạn chế số người tham gia tiệc Giáng sinh ở mức tối đa 9 người.

Số liệu  thống kê mới nhất cho biết hiện quốc gia này ghi nhận hơn 11.500 ca nhiễm virus, trong đó có 3.000 ca tử vong. Hiện trung bình mỗi tuần có thêm 1.600 ca mắc mới, giảm so với mức hơn 2.300 ca của tháng trước.

Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ thông báo nước này có thêm 203 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay tại đây, nâng tổng số người không qua khỏi lên 15.103 người kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ cũng ghi nhận thêm 32.137 ca nhiễm mới, trong đó có cả những trường hợp không có triệu chứng.

Thổ Nhĩ Kỳ đã áp đặt lệnh phong tỏa vào cuối tuần nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19.

Ngày 8/12, Anh bắt đầu cho lưu hành vắcxin do hãng Pfizer và BioNTech phối hợp phát triển để phòng ngừa COVID-19, trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên triển khai tiêm chủng đại trà vắcxin phòng ngừa bệnh dịch này.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hy vọng việc sớm triển khai chủng ngừa vaccine của Pfizer/BioNTech sẽ giúp kiềm chế làn sóng dịch bệnh.

Anh xúc tiến kế hoạch chủng ngừa quy mô lớn chưa đầy 1 tuần sau khi phê duyệt đưa vắcxin vào sử dụng theo cơ chế khẩn cấp, trước cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục