Dịch COVID-19 ngày 5/8: Khoảng 1/3 dân số Afghanistan mắc bệnh

Uớc tính 31,5% dân số Afghanistan đã nhiễm virus SARS-CoV-2, với tỷ lệ lây nhiễm cao nhất ở Kabul - nơi khoảng 2,5 triệu người được cho là đã mắc COVID-19.
Một quầy hàng bán khẩu trang tại Kabul, Afghanistan. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một quầy hàng bán khẩu trang tại Kabul, Afghanistan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21 giờ 30 phút ngày 5/8, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới là 18.756.880 ca, trong đó có 705.414 ca tử vong.

Dịch bệnh hiện đã lây lan sang 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số bệnh nhân phục hồi là 11.966.727 người.

Afghanistan ước tính khoảng 1/3 dân số mắc bệnh

Bộ Y tế Afghanistan ước tính gần 1/3 dân số nước này, tương đương 10 triệu người, đã mắc COVID-19.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Afghanistan Ahmad Jawad Osmani cho biết con số trên được đưa ra dựa trên kết quả khảo sát về xét nghiệm kháng thể đối với khoảng 9.500 người trên cả nước.

Uớc tính 31,5% dân số đã nhiễm virus SARS-CoV-2, với tỷ lệ lây nhiễm cao nhất ở Kabul - nơi khoảng 2,5 triệu người được cho là đã mắc COVID-19.

Tuy nhiên, năng lực xét nghiệm của Afghanistan, với dân số khoảng 32 triệu người, còn hạn chế và mới chỉ công bố chính thức khoảng 36.000 ca mắc COVID-19, và hơn 1.200 ca tử vong.

Theo ông Osmani, làn sóng lây nhiễm thứ 2 COVID-19 đang xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới và cũng không thể loại trừ ở Afghanistan.

Do đó, các cơ quan chức năng nước này sẽ sử dụng kết quả của cuộc khảo sát để chuẩn bị đối phó tốt hơn với nguy cơ.

Hiện Afghanistan cũng đang tiến hành khảo sát về tỷ lệ tử vong tại nước này.

Afghanistan ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 vào tháng Hai vừa qua.

Philippines, Indonesia ghi nhận nhiều ca mới

Trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận thêm 3.462 ca mắc COVID-19 và 9 ca tử vong.

Dịch COVID-19 ngày 5/8: Khoảng 1/3 dân số Afghanistan mắc bệnh ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Manila, Philippines, ngày 15/7/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 115.980 ca mắc COVID-19, cao thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Số ca tử vong tại Philippines hiện lên tới 2.123 ca.

Trong khi đó, Indonesia cũng ghi nhận thêm 1.815 ca mắc COVID-19 và 64 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt 116.871 và 5.452.

Nhật Bản khuyến cáo không nên đi du lịch trong nước

Ngày 5/8, Hiệp hội y khoa Nhật Bản khuyến cáo người dân nước này không nên đi du lịch trong nước và các chính quyền địa phương nên hành động độc lập để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chủ tịch Hiệp hội trên, ông Toshio Nakagawa, nêu rõ người dân Nhật Bản không nên đi du lịch trong nước khi kỳ nghỉ Obon bắt đầu, đồng thời cho rằng các chính quyền địa phương nên tự quyết định có áp đặt các biện pháp hạn chế bắt buộc đối với hoạt động đi lại hay kinh doanh hay không.

Theo ông Nakagawa, chính quyền trung ương không nên đưa ra các lệnh giới hạn một cách đồng bộ, mà những giới hạn như vậy nên do các chính quyền tỉnh đưa ra trong phạm vi quyền hạn nhất định tự giải quyết tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Ông kêu gọi tăng cường năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Các bác sỹ ở Nhật Bản đưa ra khuyến cáo trên trong bối cảnh trong số ca mắc COVID-19 ở nước này gia tăng mạnh trong những tuần gần đây, không chỉ ở thủ đô Tokyo mà còn ở các thành phố khác trên cả nước.

Chính quyền thành phố Tokyo ngày 5/8 thông báo có thêm 263 ca nhiễm mới, giảm so với 309 ca ghi nhận ngày 4/8, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở thành phố này lên 14.285 ca. Số ca nhiễm mới bình quân ở thành phố này là 344,4 ca/ngày trong Bảy ngày qua.

Trước tình hình trên, chính quyền Tokyo đã nâng cảnh báo về dịch bệnh lên mức cao nhất, đồng thời yêu cầu các cửa hàng karaoke, quán bar và cơ sở phục vụ đồ uống có cồn khác phải đóng cửa trước 22 giờ.

Dịch COVID-19 ngày 5/8: Khoảng 1/3 dân số Afghanistan mắc bệnh ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike cảnh báo chính quyền thành phố có thể sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp.

Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo, Thống đốc tỉnh miền Trung Aichi, Hideaki Omura cho biết chính quyền tỉnh sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại tỉnh này, đồng thời kêu gọi người dân không nên thực hiện các chuyến đi không cần thiết hoặc sang địa phận các tỉnh khác.

Theo ông Omura, tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực từ ngày 5/8 đến hết ngày 24/8.

Trước đó, ngày 3/8, tỉnh Okinawa, miền Nam Nhật Bản, cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Scotland tái áp đặt phong tỏa tại thành phố Aberdeen

Xứ Scotland tại Vương quốc Anh đã tái áp đặt phong tỏa ở trong và xung quanh thành phố Aberdeen (Đông Bắc), sau khi ghi nhận hàng chục ca nhiễm mới ở đây trong tuần này.

Người đứng đầu chính quyền Scotland Nicola Sturgeon ngày 5/8 cho biết các biện pháp trên, bao gồm đóng cửa tất cả các điểm vui chơi giải trí trong nhà và ngoài trời từ 16 giờ, được đưa ra sau khi hơn 20 quán rượu và nhà hàng có liên quan đến tình trạng mà bà Sturgeon gọi là có thể trở thành "một ổ dịch lớn."

Theo các quy định mới, người dân tại thành phố này sẽ bị cấm đến thăm nhau và không được ra khỏi nhà xa hơn 5 dặm (8km).

Bà Sturgeon cho biết các biện pháp mới sẽ được xem xét lại sau 7 ngày nữa, đúng thời điểm nhiều trường học ở Scotland dự định mở cửa trở lại.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ về COVID-19, bà nhấn mạnh: "Đánh giá cẩn trọng của chúng tôi là cần hành động quyết liệt ngay từ bây giờ để kiềm chế dịch bùng phát và ngăn chặn virus ảnh hưởng tới nhiều người sau này. Hành động ngay bây giờ sẽ cho chúng ta thêm thời gian và không gian để bảo vệ khả năng học sinh có thể quay lại trường."

Trong 24 giờ qua, Aberdeen đã ghi nhận 54 ca nhiễm mới. Đây là lần đầu tiên các biện pháp phong tỏa được tái áp đặt tại đây kể từ khi các hạn chế được nới lỏng từng bước trong những tuần qua.

Italy cảnh báo cấm bay đối với Ryanair

Cơ quan Hàng không dân dụng quốc gia Italy (ENAC) ngày 5/8 cảnh báo sẽ ngừng cấp phép cho hãng hàng không Ryanair (Anh) bay qua không phận Italy liên quan đến cáo buộc không tuân thủ các quy định về an toàn chống dịch.

ENAC chỉ trích hãng hàng không giá rẻ của Anh "liên tục vi phạm quy định y tế chống dịch COVID-19 do Chính phủ Italy ban hành nhằm bảo vệ sức khỏe hành khách."

ENAC nhấn mạnh nếu Ryanair tiếp tục vi phạm, cơ quan này sẽ "ngừng mọi hoạt động vận tải hàng không của hãng tại các sân bay quốc tế, yêu cầu hãng chuyển hướng chuyến bay đối với tất cả các khách hàng đã đặt mua vé."

Italy là quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) bị ảnh hưởng nặng của dịch với hơn 35.000 người tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ nhiễm ở Italy thấp hơn nhiều so với nhiều nước khác trong khối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục