Dịch COVID-19 ngày 4/11: Thế giới ghi nhận 249 triệu ca mắc mới

Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp với Nga ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Ukraine, Croatia và Slovenia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất.
Một biển báo khuyến cáo cách phòng dịch COVID-19 trên phố ở Brussels (Bỉ). (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 4/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 249.035.981 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.040.922 người không qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục là 225.585.599 người.

Tại khu vực châu Á, Lào ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục ở mức 4 con số, với 1.170 ca, tại  15/18 tỉnh/thành. Riêng tại thủ đô Vientiane đã có tới 589 ca lây nhiễm cộng đồng trong một ngày, tăng 72 ca so với ngày 3/11, tiếp tục cao nhất cả nước.

Điều này khiến cho số bản được quy định là vùng đỏ ở thủ đô tăng cao với 256 bản tại 9 quận. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh như Luang Namtha, Luang Prabang...  khi những tỉnh này tiếp tục ghi nhận số ca lây nhiễm cộng đồng vượt mức 100 ca trong một ngày qua. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 44.061 ca, trong đó có 73 người tử vong.

Tại Campuchia, Bộ Y tế nước này xác nhận có thêm 83 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh lên 118.870 ca. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 6 ca lên 2.813 ca.  Bộ trên đã đồng ý cấp phép sử dụng thí điểm thuốc kháng virus Molnupiravir trong trường hợp điều trị khẩn cấp cho các bệnh nhân COVID-19.

Thuốc Molnupiravir do Công ty Mylan Laboratories Limited ở Maharashtra (Ấn Độ) sản xuất. Theo bộ trên, thuốc kháng virus Molnupiravir sẽ giúp bệnh nhân COVID-19 chưa tiêm vaccine có thể phục hồi, thậm chí hiệu quả trong một số trường hợp diễn biến xấu. 

Trung Quốc cũng ghi nhận số ca mắc tăng đều trong vài ngày gần đây và dịch đã lây lan ra 19 trong số 31 tỉnh thành ở Trung Quốc đại lục.Trung Quốc đã ghi nhận 87 ca nhiễm mới trong cộng đồng và 17 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca bệnh lên 97.527 ca, trong đó có 4.636 ca tử vong.

Chính phủ Trung Quốc đã quyết định siết chặt các biện pháp bảo vệ thủ đô Bắc Kinh như ngừng bán vé tàu khởi hành từ 123 ga tại 23 địa điểm có ghi nhận ca nhiễm; cấm người từ các khu vực có ca nhiễm đến thủ đô.

Trong khi đó, sự lây lan dịch tại thủ đô cũng khiến giới chức thành phố yêu cầu phong tỏa 2 trường học và ngừng việc học trực tiếp tại 16 cơ sở giáo dục nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch ở thanh thiếu niên.

Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) sẽ triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3 cho 2 nhóm đối tượng ưu tiên, bắt đầu từ ngày 11/11.  Nhóm 1 là những người có khả năng miễn dịch yếu (bệnh nhân ung thư, bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối và những người đang dùng thuốc tăng cường hệ miễn dịch), mũi tiêm thứ 3 phải cách mũi tiêm thứ 2 ít nhất 4 tuần; nhóm 2 là người có nguy cơ lây nhiễm cao đã được tiêm 2 liều vaccine của hãng Sinovac, bao gồm người cao tuổi từ 60 trở lên, các nhân viên y tế, những người làm công tác vận chuyển xuyên biên giới…, mũi tiêm thứ 3 phải cách mũi tiêm thứ 2 ít nhất 6 tháng. Người dân có thể lựa chọn loại vaccine cho mũi thứ 3 khác loại 2 mũi tiêm trước đó.

Tại Singapore, các công chức của nước này nếu không tiêm vaccine ngừa COVID-19 dù đủ điều kiện, có thể sẽ bị cho nghỉ không lương hoặc sẽ không được gia hạn khi hợp đồng lao động kết thúc. Theo Cơ quan Dịch vụ Công (PSD) của Singapore, đây sẽ là giải pháp cuối cùng nếu các công chức vẫn không chịu tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Hiện tại, PSD sẽ cố gắng hết sức để có thể sắp xếp cho các nhân viên chưa tiêm phòng làm việc tại nhà từ ngày 1/1/2022 nếu công việc cho phép. Những người chưa tiêm vaccine cũng có thể sẽ được điều chuyển sang các bộ phận có thể làm việc tại nhà.

Tuy nhiên, PSD nhấn mạnh rằng nếu họ đủ điều kiện tiêm chủng mà vẫn kiên quyết không tiêm thì sẽ không đủ tiêu chuẩn để điều chuyển, và sẽ bị buộc phải nghỉ không lương.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp với Nga ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay (với 1.195 ca); Ukraine, Croatia và Slovenia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất, lần lượt là 27.377 ca, 6.310 ca và 4.511 ca; Pháp ghi nhận 10.050 ca mắc mới, lần đầu tiên vượt mốc 10.000 ca/ngày kể từ ngày 14/9....

Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người dân đã tiêm 2 mũi vaccine của Pfizer. Chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường sẽ ưu tiên người cao tuổi, những người bị bệnh mãn tính, nhân viên y tế và những người trong nhóm có nguy cơ cao khác.

[WHO: Châu Âu lại trở thành tâm dịch COVID-19 của thế giới]

Đến nay, khoảng 59% dân số Thổ Nhĩ Kỳ đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine và cần phải đạt 70% để miễn dịch cộng đồng. Trước đó, hơn 11,2 triệu người đã hoàn thành 2 mũi tiêm vaccine của hãng Sinovac đã được tiêm mũi tăng cường.

Tại khu vực Bắc Mỹ, hai tỉnh đông dân nhất và chịu tác động mạnh nhất của đại dịch COVID-19 của Canada là Ontario và Quebec thông báo sẽ không bắt buộc các nhân viên y tế phải tiêm vaccine ngừa COVID-19, thay vào đó, họ có thể lựa chọn xét nghiệm COVID-19 thường xuyên.

Quyết định trên được đưa ra sau khi cơ quan y tế hai tỉnh nhận định việc các nhân viên  y tế chưa tiêm chủng phải nghỉ việc hàng loạt sẽ gây khó khăn cho các bệnh viện trong bối cảnh đại dịch chưa có dấu hiệu bớt căng thẳng.

Trong khi đó tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden tuyên bố các quy định nghiêm ngặt nhằm thúc đẩy hàng chục triệu người lao động Mỹ tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ có hiệu lực vào ngày 4/1/2022.

Theo thông báo, các biện pháp này nhằm vào các doanh nghiệp có hơn 100 nhân viên cũng như các nhân viên y tế và các nhà thầu liên bang. Trao đổi với báo giới, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nêu rõ thời hạn duy nhất để cả 3 nhóm đối tượng trên bắt buộc tuân thủ quy định này là ngày 4/1/2022.

Theo đó, mọi nhân viên hoặc phải tiêm mũi cuối cùng vaccine ngừa COVID-19 hoặc phải xuất trình xét nghiệm virus SARS-CoV-2 hằng tuần. Đây được xem là nỗ lực lớn nhất mà Chính phủ Mỹ thực hiện cho đến nay để chống dịch COVID-19, vốn đã cản trở sự phục hồi của nền kinh tế đầu tàu thế giới trong những tháng gần đây. Các quy định mới dự kiến sẽ ảnh hưởng đến hơn 2/3 lực lượng lao động tại Mỹ.

Nền kinh tế hàng đầu thế giới này cũng đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi,  sau khi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ khuyến nghị tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em nhóm tuổi trên.

Trước đó, ngày 29/10, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đã phê duyệt tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Liều lượng mũi vaccine tiêm cho trẻ em ở nhóm tuổi này là 10 microgram, chỉ bẳng 1/3 liều lượng mũi tiêm cho nhóm tuổi vị thành niên và người trưởng thành. Liều lượng này đủ để phòng ngừa biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

Đến nay khoảng 58% dân số Mỹ đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, trong khi khoảng 28 triệu trẻ em dưới 12 tuổi chưa tiêm. Biến thể Delta đã khiến hàng nghìn trẻ em phải nhập viện và chiếm đến 25% số ca mắc COVID-19 ở Mỹ. Vaccine của Pfizer được cho là có hiệu quả hơn 90% phòng ngừa lây nhiễm có triệu chứng ở trẻ em.

Việc tiêm chủng cho trẻ em sẽ giúp giảm tình trạng phải cách ly hoặc đóng cửa trường học. Chính phủ Mỹ hiện đã mua 50 triệu liều vaccine của Pfizer cho chương trình tiêm chủng cho trẻ em, đủ để cung cấp cho 28 triệu trẻ đủ điều kiện tiêm chủng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục