Dịch COVID-19 ngày 28/4: Châu Á đề cao cảnh giác trước kỳ nghỉ lễ

Diễn biến dịch vẫn phức tạp, châu Á chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ dài với tâm thế đề cao tinh thần phòng chống dịch. Một số nơi như Iran, Tây Ban Nha, Malaysia tiếp tục ghi nhận dấu hiệu tích cực.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn lây lan của dịch COVID-19 ở Moskva, Nga, ngày 24/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngày 28/4 tiếp tục ghi nhận những diễn biến phức tạp ở tất cả các châu lục trên thế giới.

Số ca nhiễm mới ở Nga, Ukraine, Belarus tăng nhanh

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Liên bang Nga thông báo nước này đã ghi nhận thêm 6.411 trường hợp mắc COVID-19. Đây là ngày có số ca mắc COVID cao kỷ lục.

Như vậy, tính đến nay, số người mắc COVID-19 tại Nga là 93.558, trong đó có 867 người tử vong. Nga hiện đứng thứ 8 thế giới về số người mắc COVID-19. Cũng trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 1.110 người bình phục, đưa tổng số người khỏi bệnh lên 8.456.

Thủ đô Moskva vẫn là địa phương ghi nhận thêm nhiều người nhiễm nhất, với 3.075 trường hợp. Hiện số người mắc bệnh tại Moskva là 48.426 người.

Cũng trong ngày 28/4, Bộ Y tế Ukraine cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 401 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, đưa tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 tại nước này lên 9.410. Trong số này có 239 ca tử vong và 992 người bình phục.

Nhằm hỗ trợ Ukraine tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 28/4 đã thông qua khoản tín dụng bổ sung, trị giá 135 triệu USD cho nước này, trong đó có 35 triệu USD được dùng để phòng, chống dịch COVID-19.

Kể từ năm 2015, WB đã cung cấp cho Ukraine 215 triệu USD để hỗ trợ 8/25 vùng ở nước này chữa trị các bệnh liên quan đến tim mạch và ung thư tại 8/25.

Trong khi đó, Bộ Y tế Belarus cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 826 người mắc COVID-19, đưa tổng số người mắc bệnh tại nước này lên 11.286. Trong số này, 1.740 người đã bình phục và 75 ca tử vong.

Cùng ngày, Bộ Y tế Cộng hòa Séc thông báo nước này ghi nhận thêm 41 trường hợp mắc COVID-19. Đây là mức tăng thấp nhất trong hơn 6 tuần qua.

Tính đến nay, tổng số người mắc COVID-19 ở Cộng hòa Séc là 7.449, trong đó có 223 người tử vong.

Số ca tử vong tại Iran và Tây Ban Nha tiếp tục giảm

Người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur ngày 28/4 cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 71 ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24h qua, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên thành 5.877 người.

Ông cũng cho hay tổng số ca mắc COVID-19 ở Iran đã lên tới 92.584 người.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 7/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ Y tế Tây Ban Nha cùng ngày thông báo nước này ghi nhận thêm 301 ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, giảm 30 ca so với một ngày trước đó.

Tính đến nay, số ca tử vong do COVID-19 tại nước này là 23.822, trong khi số người mắc bệnh là 209.465

Malaysia bước vào giai đoạn phục hồi

Malaysia đã bước vào giai đoạn phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sau khi số các ca nhiễm mới đã liên tục giảm trong những ngày gần đây.

Phát biểu trong một cuộc họp báo chiều 28/4, Tổng Giám đốc Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah, nước này chỉ ghi nhận 31 ca nhiễm mới trong ngày 28/4 - mức thấp nhất kể từ khi các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện ngày 18/3 vừa qua.

Tính đến thời điểm hiện tại, Malaysia đã có tổng cộng 5.851 người mắc COVID-19, trong đó có 100 ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bên cạnh đó, 75 bệnh nhân đã được xuất viện, nâng tổng số trường hợp phục hồi sau khi mắc bệnh lên 4.032 người, chiếm 68,9% số trường hợp mắc COVID-19 ở Malaysia.

Trong số những bệnh nhân đang được điều trị, chỉ có 36 người phải chăm sóc đặc biệt và 17 người cần áp dụng phương pháp trợ thở.

Theo ông Noor Hisham Abdullah, số trường hợp mới mắc bệnh và số bệnh nhân hồi phục sức khỏe cho thấy "đường cong dịch bệnh đã được làm phẳng" và Malaysia đã bước vào "giai đoạn phục hồi."

Ông nhấn mạnh: "Kết quả này có được là nhờ các biện pháp tích cực và mạnh mẽ của chính phủ". Các lệnh hạn chế đã được gia hạn tới 3 lần tại Malaysia và hiện sẽ kéo dài tới ngày 12/5 tới.

Số ca nhiễm tiếp tục tăng cao tại Indonesia và Philippines

Trong khi đó, Indonesia ngày 28/4 đã ghi nhận thêm 415 ca mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên thành 9.511 người. Quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho biết nước này cũng ghi nhận thêm 8 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên thành 773 người, trong khi có 1.254 bệnh nhân hồi phục.

Còn Philippines cũng đã có gần 8.000 người mắc COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Riêng trong ngày 28/4, nước này ghi nhận thêm 19 ca tử vong do COVID-19 và 181 ca mắc bệnh.

Nguy cơ lây lan dịch COVID-19 tại Singapore

Bộ Y tế Singapore ngày 28/4 đã xác nhận thêm 528 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 14.951 trường hợp. Đây là mức tăng hằng ngày thấp nhất trong khoảng 2 tuần qua.

Hầu hết các ca nhiễm mới tại Singapore là những lao động nhập cư sống tại các khu tập thể chật chội.

Trong khi dịch COVID-19 đang lây lan nhanh tại các khu tập thể của lao động nhập cư tại Singapore, số ca nhiễm bệnh trong cộng đồng ngoài lao động nhập cư đã giảm với tỷ lệ trung bình 20 ca nhiễm mới mỗi ngày trong tuần qua.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 27/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiện Singapore, một trong số những quốc gia có nhiều ca bệnh nhất ở châu Á, đã ghi nhận 4 ca tử vong do COVID-19.

Dịch bệnh đã tác động mạnh đến kinh tế Singapore sau khi Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) công bố báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô của nước này.

Theo MAS, nền kinh tế Singapore sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay dẫn đến tình trạng thất nghiệp và lương thấp cùng với những khó khăn khác trong sản xuất và kinh doanh. MAS cho rằng tăng trưởng kinh tế của Singapore thậm chí có thể giảm sâu hơn xuống dưới mức dự báo là âm 4 đến âm 1%.

Kinh tế Singapore đã giảm 2,2% trong quý 1/2020, mức giảm âm theo quý đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

Theo đánh giá của MAS, nền kinh tế Singapore có khả năng còn giảm mạnh hơn trong quý 2, do mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh ở những đối tác thương mại chủ chốt của đảo quốc sư tử cũng như do các biện pháp “ngắt mạch” được kích hoạt từ đầu tháng Tư và áp dụng đến ngày 1/6.

Chính phủ Singapore cũng đã thông qua 3 gói ngân sách cứu trợ tổng trị giá gần 60 tỷ SGD (khoảng 42 tỷ USD) để đối phó với dịch bệnh.

Thái Lan gia hạn Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp

Thái Lan ngày 28/4 tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 1 con số, với 7 ca, và 2 ca tử vong mới. Đây cũng là số ca nhiễm thấp nhất trong một ngày ở nước này kể từ ngày 14/3.

Như vậy, tổng số ca nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này đến nay là 2.938 trường hợp, trong đó có 54 bệnh nhân tử vong.

Nội các nước này cùng ngày đã thông qua đề xuất của Trung tâm Quản lý Tình hình COVID-19 (CCSA) gia hạn thêm 1 tháng Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, bắt đầu từ 1/5.

[COVID-19: Cần 90 tỷ USD để bảo vệ 700 triệu người dễ bị tổn thương]

Bên cạnh đó, nội các Thái Lan cũng quyết định không hoãn các ngày nghỉ lễ trong tháng Năm theo đề nghị của CCSA trước đó.

Bốn kỳ nghỉ lễ được CCSA đề xuất hoãn gồm ngày Quốc tế Lao động 1/5, Ngày lên ngôi của Nhà vua 4/5, Ngày Phật Đản vào 6/5 và lễ Hạ Điền (Pheut Mongkol) vào 11/5.

Trong khi đó, Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đang lên kế hoạch mở cửa trở lại 8 loại hình dịch vụ, trong đó có nhà hàng, chợ, khu tập thể thao, công viên, cửa hàng cắt tóc, phòng khám chữa bệnh, sân golf…, với những điều kiện nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang cho biết biện pháp phong tỏa thành phố dự kiến sẽ hết hạn vào nửa đêm 30/4.

Hàn Quốc đề cao phòng dịch COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ 

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, tròn 100 ngày kể từ khi xuất hiện ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đầu tiên tại Hàn Quốc, Ủy ban phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương ngày 28/4 nhận định kỳ nghỉ lễ Phật đản (30/4) và Ngày Quốc tế Lao động (1/5) ở nước này là bước đệm quan trọng cho quá trình chuyển đổi sang phòng dịch trong đời sống hàng ngày và yêu cầu người dân tiếp tục nỗ lực phòng dịch.

[Thủ tướng: Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được dịch COVID-19]

Trong cuộc họp sáng cùng ngày, Điều phối viên Ủy ban Kim Gang-lip cho biết số ca mắc COVID-19 mới trong một tuần gần đây đang duy trì trên dưới 10 ca mỗi ngày, tình hình lây lan đã phần nào được kiểm soát.

Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới trong ngày 27/4 là 14 người, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc lên 10.752 người.

Cụ thể, có 4 ca nhiễm mới ở Seoul, 3 ca ở tỉnh Gyeonggi, 2 ca ở thành phố Daegu, trong khi đó thành phố Incheon và tỉnh Bắc Gyeongsang mỗi nơi ghi nhận 1 ca, 3 trường hợp phát hiện trong quá trình kiểm soát nhập cảnh.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc ngày 12/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, do vẫn xuất hiện nhiều ca không xác định được nguồn lây nhiễm, nên vẫn phải tiếp tục đề cao cảnh giác. Đặc biệt, dự kiến nhiều người sẽ đi du lịch hoặc gặp mặt trong kỳ nghỉ lễ cuối tháng Tư đầu tháng Năm tới.

Người dân cũng cần lưu ý đến khả năng lây nhiễm COVID-19 khi tiếp xúc với người khác ở cự ly gần.

Ai Cập gia hạn tình trạng khẩn cấp, Algeria kéo dài lệnh phong tỏa

Ngày 28/4, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã chỉ thị gia hạn thêm 3 tháng lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài lâu nay với lý do lo ngại về an ninh và sức khỏe của người dân.

Ai Cập ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc từ tháng 4/2017 sau vụ đánh bom kép hai nhà thờ tại thành phố Gharbiya và Alexandria làm 47 người chết và 120 người bị thương.

Chính phủ Ai Cập đưa ra quyết định mới trên trong khi nỗ lực ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.

Bộ Y tế cho biết đến nay, quốc gia đông dân nhất thế giới Arab này ghi nhận 4.782 ca mắc, trong đó có 337 ca tử vong và 1.236 ca bình phục.

Theo phóng viên TTXVN tại Algeria, Văn phòng Thủ tướng Algeria Abdelaziz Djerad ngày 27/4 thông báo lệnh phong tỏa trên toàn quốc để chống lại đại dịch COVID-19 cũng như tất cả các biện pháp khác kèm theo sẽ được kéo dài đến ngày 14/5 tới.

Đây là lần thứ 2 Chính phủ Algeria gia hạn lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc để ngăn ngừa dịch COVID-19.

Trước đó, lệnh giới phong tỏa tại Algeria bắt đầu thực hiện lần đầu tiên từ ngày 24/4 - 19/4, sau đó chính phủ nước này đã quyết định kéo dài thêm 10 ngày đến ngày 29/4.

Tính đến chiều 27/4 theo giờ địa phương, Algeria ghi nhận thêm 135 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia này lên 3.517 người và 432 ca tử vong. Đáng chú ý là số ca tử vong trong vòng 24 giờ qua giảm mạnh so với nhiều ngày trước đó, luôn ở mức 2 con số.

Hiện Algeria xếp thứ 4 trong tốp 5 quốc gia có số ca nhiễm cao nhất tại châu Phi, sau các nước như Ai Cập, Nam Phi và Maroc. Tuy nhiên, Algeria là là quốc gia có số ca mắc và tỷ lệ tử vong cao nhất châu Phi, 432 ca tử vong/3.517 ca nhiễm, tương đương tỷ lệ trên 12%.

Algeria đang đặt trong tình trạng báo động cao nhất để ngăn chặn đại dịch. Để tránh lây nhiễm bệnh, chính quyền yêu cầu tất cả mọi người bắt buộc tôn trọng các quy định về phòng chống sự lây lan do chính quyền đưa ra, nhất là phải ở nhà và chỉ đi ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục