Dịch COVID-19 ngày 23/3: Số ca tử vong vượt ngưỡng 15.400 người

Đến ngày 23/3, số ca tử vong trên toàn thế giới vì dịch COVID-19 đã vượt ngưỡng 15.400 người, khiến nhiều quốc gia phải ban hành các biện pháp khống chế rất gắt gao.
Dịch COVID-19 ngày 23/3: Số ca tử vong vượt ngưỡng 15.400 người ảnh 1Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 21/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp đang lây lan nhanh trên toàn cầu, với số ca mắc bệnh tăng mạnh tại châu Âu, thêm nhiều nước ngày 23/3 đã áp đặt các lệnh phong tỏa cũng như nhiều biện pháp gắt gao khác để khống chế căn bệnh nguy hiểm này.

Tính đến 22h cùng ngày, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến 193 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 353.860 ca mắc bệnh với 15.420 ca tử vong.

Theo thống kê sơ bộ của hãng tin AFP trong ngày 23/3, khoảng 1,7 tỷ người tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã được yêu cầu ở yên trong nhà, trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực đối phó với dịch COVID-19. Ít nhất 34 quốc gia như Pháp, Italy, Argentina, Iraq và Rwanda...đã áp đặt các biện pháp phong tỏa bắt buộc.

Ít nhất 10 quốc gia và vùng lãnh thổ như Burkina Faso, Chile, thủ đô Manila của Philippines, Serbia và Mauritania... đã ban bố lệnh giới nghiêm và cấm đi lại vào ban đêm. Trong khi đó, một số nước đã áp đặt các biện pháp cách ly tại các thành phố chính với quy định nội bất xuất, ngoại bất nhập. Các nước khác như Iran và Anh khuyến nghị người dân ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tại châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc đại lục tiếp tục không ghi nhận thêm ca trong nước mới nào nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Tính đến hết ngày 22/3, nước này ghi nhận thêm 39 ca nhiễm mới, tất cả đều từ nước ngoài. Ngoài ra, Trung Quốc đại lục có thêm 9 ca tử vong (toàn bộ ở tỉnh Hồ Bắc) và 47 ca nghi nhiễm mới. Đã có thêm 459 bệnh nhân mắc COVID-19 được xuất viện trong khi số bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch đã giảm 96 ca xuống còn 1.749 ca.

Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục đến giờ là 81.093 người trong đó có 5.120 ca đang được điều trị, 72.703 ca đã xuất viện và 3.270 ca tử vong. Hiện nhà chức trách Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ dịch bùng phát trở lại trong nước do các trường hợp bệnh xâm nhập từ nước ngoài.

Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), nơi số ca mắc bệnh hiện là 356 ca với 4 ca tử vong, chính quyền Hong Kong cho biết sẽ cấm nhập cảnh tất cả những người không phải là cư dân của thành phố này từ ngày 25/3 trong bối cảnh Hong Kong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19 từ những người nước ngoài. Theo Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga, từ đêm 25/3, tất cả những người không phải cư dân của thành phố từ nước ngoài tới sẽ không được phép nhập cảnh và lệnh này sẽ được áp đặt ít nhất 2 tuần.

Nhà chức trách Hàn Quốc thông báo số ca mắc mới thấp nhất kể từ ngày 29/2, với 64 ca mới. Chính phủ Hàn Quốc kêu gọi toàn dân giữ khoảng cách với người xung quanh một cách triệt để, hạn chế tối đa hoạt động bên ngoài nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch COVID-19 trong cộng đồng trong vòng 2 tuần tới.

Australia ghi nhận số người mắc bệnh COVID-19 tại đây đã lên tới 1.717 người với 7 ca tử vong. Nhà chức trách nước này thông báo các trung tâm vui chơi, giải trí, rạp chiếu phim, câu lạc bộ đêm, địa điểm thể thao trong nhà, phòng tập thể hình, các nhà thờ…đã chính thức đóng cửa từ 12 giờ trưa, theo một lệnh mới vừa được chính phủ ban hành.

Tại nước láng giềng New Zealand, các dịch vụ "không thiết yếu" và trường học ở nước này sẽ đóng cửa trong vòng 48 giờ tới, trong khi người dân xứ Kiwi được yêu cầu tự cách ly tại nhà. Tổng giám đốc Cơ quan Y tế New Zealand xác nhận có thêm 36 trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 102 người.

Malaysia ghi nhận thêm 212 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.518 ca. Đây là mức tăng trong ngày cao nhất được ghi nhận tại quốc gia Đông Nam Á này. Chính phủ nước này cho biết có thể quyết định kéo dài Mệnh lệnh Kiểm soát di chuyển (MCO) sau khi mệnh lệnh này kết thúc vào ngày 31/3.

Tại Trung Đông và châu Phi, Iran đã ghi nhận thêm 127 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi tại quốc gia Trung Đông này lên 1.812 ca. Thêm 1.411 người xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 23.049 người. Nhà chức trách Iran đã ra lệnh đóng cửa các trung tâm thương mại tại thủ đô Tehran. Các cửa hàng tiện ích và hiệu thuốc vẫn được mở cửa. Trong khi đó, Iran Mall - trung tâm mua sắm lớn nhất của Iran, nằm ở phía Tây thủ đô Tehran-sẽ được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, với sức chứa khoảng 3.000 giường, phục vụ điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19.

[Tổ chức Y tế Thế giới vô cùng quan ngại về đại dịch COVID-19]

Saudi Arabia xác nhận số người nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng lên 562 người, cao nhất khu vực dù chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Quốc vương Saudi Arabia Salman thông báo kể từ ngày 23/3 nước này áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm. Theo đó, lệnh giới nghiêm được áp đặt kể từ 19 giờ hàng ngày đến 6 giờ sáng hôm sau, sẽ có hiệu lực trong vòng 21 ngày.

Bộ Y tế Nam Phi thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 128 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này lên thành 402 ca và lần đầu tiên vượt qua Ai Cập với 327 ca.

Trong ngày 23/3, các nước Nigeria, Zimbabwe và Gambia đã thông báo về ca tử vong đầu tiên do nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại châu Âu, hiện là châu lục có tốc độ lây lan dịch bệnh nhanh nhất, Italy ghi nhận 59.138 ca mắc bệnh với 5.476 ca tử vong. Nhằm hỗ trợ hệ thống y tế trong ứng phó với tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo chính phủ tiếp tục đặt mua hơn 6.500 máy thở và 120 triệu khẩu trang sẽ được cung ứng trong tuần tới. Trong ngày 23/3, Italy đã cung cấp bổ sung 4 triệu khẩu trang và 125 máy trợ thở tới các bệnh viện.

Một nam nhân viên tại Nghị viện châu Âu (EP) đã trở thành người đầu tiên trong các thể chế điều hành Liên minh châu Âu (EU) tử vong sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bỉ ghi nhận 3.743 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và 88 ca tử vong. Các nhà chức trách thừa nhận rằng con số trên thực tế có thể cao hơn nhiều, song việc xét nghiệm hiện chỉ giới hạn đối với các bệnh nhân đã nhập viện sau khi có các triệu chứng nặng, và các nhân viên y tế bị sốt.

Một số nhân viên làm việc tại Ủy ban châu Âu (EC), Hội đồng châu Âu và EP đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có trưởng đoàn đàm phán Brexit Michel Barnier, hiện đang được cách ly tại Pháp.

Các thể chế và cơ quan của EU đã cho phép nhiều nhân viên làm việc tại nhà, trong khi Bỉ đã đóng cửa biên giới, các trường học, quán bar, nhà hàng, cấm tụ tập đông người và đưa ra các hình phạt nặng đối với các trường hợp ra khỏi nhà không cần thiết.

Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại quốc gia này tăng thêm 462 ca, lên 2.182 ca. Trong khi đó, số ca mắc bệnh tại đây cũng tăng lên 33.089 ca, thêm hơn 4.500 ca so với một ngày trước đó.
Nga đã ghi nhận thêm 71 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 438.

Đây là mức tăng cao nhất trong ngày tại Nga. Trước tình hình dịch bệnh lây lan, Thị trưởng Moskva, ông Sergei Sobyanin đề nghị công dân thủ đô trên 65 tuổi và những người mắc bệnh mãn tính không ra khỏi nhà từ ngày 26/3 đến ngày 14/4, chỉ đến cửa hàng và hiệu thuốc khi thật cần thiết. Những người này sẽ được nhận hỗ trợ 4.000 rubble (49,5 USD), theo đó, 2.000 rubble sẽ được chuyển trước và sau khi tuân thủ và kết thúc chế độ ở nhà sẽ được nhận nốt số tiền còn lại. Theo Công báo chính thức, Chính phủ Nga cũng đã phân bổ 7,5 tỷ rubble cho Bộ Công Thương lấy từ quỹ dự trữ để mua máy thở.

Tại châu Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn đề nghị của bang California tuyên bố tình trạng thảm họa đối với bang này trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ngày một gia tăng. Quyết định trên mở đường cho việc huy động nguồn lực ngân sách liên bang hỗ trợ các tổ chức của bang California, địa phương và các bộ tộc của bang nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, những cá nhân bị ảnh hưởng dịch bệnh tại tất cả các khu vực thuộc bang California được tiếp cận tư vấn khủng hoảng. Đến nay, Mỹ đã ghi nhận 35.230 ca mắc bệnh với 459 ca tử vong.

Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã phê chuẩn việc sử dụng bộ xét nghiệm nhanh giúp rút ngắn thời gian phát hiện virus SARS-CoV-2. Bộ trưởng Y tế và dịch vụ con người Alex Azar cho biết bộ xét nghiệm tại chỗ virus SARS-CoV-2 này do công ty Cepheid có trụ sở ở California sản xuất và được gọi là Xpert Xpress SARS-CoV-2. Với bộ xét nghiệm này, các bệnh nhân có thể nhận được kết quả xét nghiệm trong khoảng 45 phút, thay vì vài ngày như các phương pháp xét nghiệm hiện tại. FDA cho biết Cepheid dự định phân phối bộ xét nghiệm nhanh này tại các cơ sở y tế của Mỹ vào ngày 30/3 tới.

Brazil và Uruguay nhất trí đóng cửa đường biên giới trên bộ giữa hai nước trong 30 ngày tới nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan. Theo sắc lệnh của Brazil, chỉ các công dân Brazil hoặc những người sinh sống ở Brazil, cũng như người Uruguay có vợ, chồng hoặc con là người Brazil, mới được phép nhập cảnh Brazil từ quốc gia láng giềng này. Hoạt động vận tải hàng hóa vẫn được duy trì qua biên giới ở cả hai phía và biện pháp này cũng cho phép những người sống ở các thành phố biên giới được đi lại tự do.

Chính phủ Chile quyết định ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm, cụ thể từ 22h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Ngoài biện pháp trên, tất cả những người nhập cảnh Chile đều phải bắt buộc cách ly trong 14 ngày. Nhà chức trách Chile đã thiết lập các trạm kiểm soát y tế và an ninh giữa các vùng và địa phương trên cả nước, trong đó thị trấn cảng Puerto Williams bị cách ly hoàn toàn vì bị xác định là một ổ dịch và chỉ cho phép các xe vận chuyển đồ tiếp tế và dược phẩm đi qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục