Dịch COVID-19: Ngân hàng giảm lãi suất cho chủ thẻ tín dụng

Do ảnh hưởng của COVID-19 khiến nhiều người không thể thanh toán đúng hạn, dư nợ thẻ tín dụng có thể tăng lên khiến không ít người như ngồi trên 'đống lửa'.
Dịch COVID-19: Ngân hàng giảm lãi suất cho chủ thẻ tín dụng ảnh 1Một số chủ thẻ tín dụng đã được hỗ trợ trong mùa COVID. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đối với nhiều người tiêu dùng, thẻ tín dụng được xem là nguồn "cứu cánh" trong những trường hợp gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đây là nguồn hỗ trợ quan trọng nhằm đáp ứng các nhu cầu chi tiêu cơ bản.

Tuy nhiên, những tháng gần đây, do ảnh hưởng của COVID-19 khiến nhiều người không thể thanh toán đúng hạn, dư nợ thẻ tín dụng có thể tăng lên khiến không ít người như ngồi trên 'đống lửa.'

[NAPAS hỗ trợ các ngân hàng hoàn thành chuyển đổi thẻ chip]

Hiểu được những khó khăn của khách hàng, một số ngân hàng đã có những hỗ trợ, ưu đãi.

Theo đó, đại diện Nam A Bank cho biết trong 3 kỳ sao kê của tháng 7, 8, 9/2021, nhà băng sẽ không thu phí chậm thanh toán thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, chủ thẻ ghi nợ nội địa Nam A Bank-NAPAS sẽ được miễn phí chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip contactless để mọi giao dịch chi tiêu mua sắm, thanh toán online được bảo mật và an toàn hơn.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, thẻ chip contactless sẽ giúp khách hàng hạn chế tối đa việc tiếp xúc ở khoảng cách gần, tăng cường hơn nữa sự bảo vệ trước các nguy cơ của dịch bệnh với phương thức thanh toán tiện dụng không cần quẹt thẻ, chỉ cần đặt gần/chạm/vẫy nhẹ thẻ trên thiết bị chấp nhận thẻ (máy POS) có tính năng thanh toán chạm.

Với VIB, ngân hàng này cho phép chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt thông qua máy ATM trong hệ thống để chi tiêu trong kỳ không tính lãi, không tính phí rút tiền đối với những khách hàng có lịch sử nợ tốt.

Tại Agribank, từ kỳ sao kê tháng 8/2021, ngân hàng cũng chủ động giảm 10% lãi suất thẻ tín dụng xuống còn 11,7%/năm. Nhà băng này cho rằng, đây đã là mức lãi suất thẻ tín dụng thấp nhất trên thị trường. 

Chủ thẻ tín dụng của những ngân hàng khác cũng đang mong ngóng những chính sách hỗ trợ từ nhà băng như tăng thời gian miễn lãi, giảm lãi suất... Bởi lẽ, dù món vay qua thẻ tín dụng thường không lớn nhưng lãi suất và phí phạt trả chậm khá cao, nếu không thể trả được trong thời gian miễn lãi (thường là 45 ngày), dư nợ có thể sẽ tăng lên rất nhanh. 

Thực tế hiện nay, tuỳ vào từng loại thẻ tín dụng và ngân hàng mà lãi suất có sự chênh lệch đáng kể. Hiện nay lãi suất thẻ tín dụng Vietcombank dao động từ 15%-18%/năm, BIDV từ 10,5%-17%; VietinBank khoảng 18%/năm.

Tại một số ngân hàng cổ phần, lãi suất thẻ tín dụng quốc tế của Sacombank từ 1,6%-2,5%/tháng, VPBank từ 2,39%-3,75%/tháng, VIB cũng từ 2,33%-2,5%/tháng…

Nói về việc hỗ trợ của nhà băng, chị Mai Loan (Cầu Giấy, Hà Nội) phấn khởi: "Vợ chồng mình kinh doanh nhỏ lẻ, hơn 1 tháng nay tiệm đóng cửa để phòng chống dịch nên hầu hết các khoản chi đều dùng thẻ tín dụng để thanh toán. Do không có thu nhập gì nên mình rất sợ trễ hạn thanh toán thẻ dụng. Giờ được ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất và không thu phí chậm thanh toán trong thời gian dịch mình cũng yên tâm hơn."

Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đề nghị cho phép cơ cấu nợ đối với dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đại diện hiệp hội này, với xu hướng không dùng tiền mặt như hiện nay thì thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng rất phổ biến. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tăng sử dụng biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt là rất cần thiết.

Hiệp hội Ngân hàng cũng đề nghị tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành. Thực tế, doanh số thanh toán thẻ trong nước 6 tháng đầu năm 2021 đã sụt giảm từ 50%-70% so với thời điểm trước khi bùng phát dịch. Trong khi đó, các ngân hàng Việt vẫn phải trả mức phí rất lớn cho tổ chức thẻ quốc tế. Trong giai đoạn 2019-2020, tổng phí thu của các tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard đối với các Ngân hàng Việt Nam ước tính khoảng hơn 200 triệu USD/năm, tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng/năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục