Dịch COVID-19: Nepal ghi nhận bệnh nhân đầu tiên tử vong do nấm đen

Trong làn sóng lây nhiễm nấm đen, Ấn Độ đã ghi nhận hàng nghìn ca mắc bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do việc làm dụng thuốc chứa steroid trong điều trị các bệnh nhân COVID-19.
Dịch COVID-19: Nepal ghi nhận bệnh nhân đầu tiên tử vong do nấm đen ảnh 1Nhân viên y tế làm việc tại phòng tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Kathmandu, Nepal. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 4/6, giới chức y tế Nepal thông báo nước này đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do nhiễm nấm mucormycosis, hay còn gọi là nấm đen. Đây là bệnh nhiễm trùng gây chết người đang đe dọa hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 tại nước láng giềng Ấn Độ.

Theo người phát ngôn Bộ Y tế Nepal  Krishna Prasad Poudel,  nước này đã ghi nhận  ít nhất 10 trường hợp mắc nấm đen . Ca tử vong là một bệnh nhân nam, 65 tuổi, đang được điều trị tích cực tại một bệnh viện ở miền Tây Nepal do bị chẩn đoán viêm thùy thái dương.

Các bác sĩ đã phát hiện nhiều sợi nấm trong mẫu dịch mũi và xét nghiệm sinh thiết mũi và môi của người này có nấm mucormycosis. Bác sĩ xác định bệnh nhân này tử vong do nhiễm nấm mucormycosis dù không mắc COVID-19.

[COVID-19: Ấn Độ xác định dòng biến thể gây ra làn sóng lây nhiễm thứ 2]

Mucormycosis, được giới y học Ấn Độ gọi là "nấm đen", thường tấn công mạnh nhất vào những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu do mắc các bệnh truyền nhiễm khác hoặc bệnh tiểu đường.

Người nhiễm nấm Mucormycosis thường có các triệu chứng như nghẹt mũi và chảy máu mũi, sưng và đau mắt, sụp mí mắt; mắt mờ và cuối cùng là mất thị lực, thậm chí tức ngực, khó thở, ho ra máu. Tỷ lệ tử vong ở những người mắc nấm đen là 50%. Theo các bác sĩ Ấn Độ, bệnh nấm mucormycosis tiến triển rất nhanh, chỉ trong 2 tuần.

Trong làn sóng lây nhiễm nấm đen, Ấn Độ đã ghi nhận hàng nghìn ca mắc bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do việc làm dụng thuốc chứa steroid trong điều trị các bệnh nhân COVID-19.

Nepal bắt đầu ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng mạnh vào đầu tháng 4 và đỉnh điểm vào tháng giữa tháng 5 với hơn 9.000 ca mắc mỗi ngày. Dù số ca mắc mới đã có chiều hướng giảm, song hệ thống y tế nước này vẫn đang gồng mình điều trị các bệnh nhân./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục