Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, trong vòng 24 giờ từ ngày 2-3/4, Mỹ ghi nhận gần 1.500 ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mức cao kỷ lục trên thế giới trong vòng một ngày kể từ đại dịch bùng phát.
Với 1.480 ca tử vong ghi nhận được từ 20 giờ 30 ngày 2/4 (tức 7 giờ 30 phút ngày 3/4 theo giờ Hà Nội) tới 20 giờ 30 ngày 3/4 (tức 7 giờ 30 phút ngày 4/4 theo giờ Hà Nội), tổng số ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát tại Mỹ là 7.406 người.
Theo trang web chuyên về thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 4/4 (giờ Việt Nam), dịch COVID-19 đã lây lan tới 205 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 1.097.810 ca nhiễm, 59.140 ca tử vong và 228.405 người đã được điều trị khỏi bệnh.
Mỹ đang là tâm dịch với 277.161 ca nhiễm, cao hơn bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào trên thế giới.
Các nước Italy, Tây Ban Nha, Đức cũng đều tiếp tục bỏ xa Trung Quốc đại lục về số ca nhiễm.
Nhiều nước vượt Trung Quốc về số ca tử vong do dịch
Trong khi các nước có số ca tử vong vượt Trung Quốc đại lục hiện nay đứng đầu là Italy, tiếp đó là Tây Ban Nha, Mỹ và Pháp.
Iran cũng có số ca bệnh nhân COVID-19 qua đời là 3.294 người gần bằng Trung Quốc đại lục (3.322 người).
Với 40.768 ca tử vong trong số tổng cộng 574.525 ca mắc COVID-19, châu Âu là châu lục chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19.
[Tổng thống Mỹ khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ngăn virus lây lan]
Italy và Tây Ban Nha là hai quốc gia chịu tác động nhiều nhất trên thế giới với lần lượt 14.681 và 10.935 ca tử vong. Trong khi đó, Pháp ghi nhận 5.387 người tử vong vì dịch bệnh.
Cụ thể, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 3/4 cho biết nước này ghi nhận thêm 4.585 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 119.827 trường hợp.
Số ca tử vong do COVID-19 tăng lên 14.681 trường hợp (tăng 766 ca). Số ca hồi phục tăng lên 19.758 ca (tăng 1.480 ca).
Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 28.741 ca nhập viện, 4.068 ca phải điều trị tích cực và 52.579 ca cách ly tại nơi ở.
Theo người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy Angelo Borrelli, tình trạng phong tỏa có thể sẽ kéo dài tới sau ngày 13/4, thời hạn kết thúc của Sắc lệnh được ký hôm 1/4, thậm chí người dân Iatly cũng sẽ phải ở nhà vào dịp lễ Quốc tế Lao động 1/5.
Italy có thể bước vào giai đoạn 2 (sống chung với dịch bệnh) vào thời điểm giữa tháng Năm. Tuy nhiên, ông Angelo Borrelli cũng cho biết, “thời điểm cụ thể sẽ phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ dựa trên số liệu và phân tích của các nhà khoa học về tình hình dịch bệnh trong những ngày tới.”
Tính đến tối 3/4, Pháp xác nhận 6.507 ca tử vong liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 5.091 ca trong bệnh viện và 1.416 ca trong các trại dưỡng lão.
Số người nhiễm virus SARS-CoV-2 được xác nhận qua xét nghiệm là 64.338 bệnh nhân.
Trong số 27.432 trường hợp đang nhập viện, 6.662 người trong tình trạng phải chăm sóc đặc biệt.
Đến nay, 14.008 người đã khỏi bệnh và xuất viện.
Giới chức y tế nhấn mạnh rằng Pháp chưa chạm đến đỉnh dịch, tình hình còn quá phức tạp nên chưa thể tính đến việc dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại.
Trước đó, Chính phủ Tây Ban Nha công bố nước này đã ghi nhận thêm 932 trường hợp tử vong do dịch COVID-19.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca tử vong thống kê theo ngày của quốc gia châu Âu này vượt mức 900 người, mặc dù số trường hợp mới mắc bệnh vẫn tiếp tục chiều hướng giảm.
Tây Ban Nha đang là quốc gia có số người tử vong do COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Italy.
Theo những số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế Tây Ban Nha, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi 10.935 sinh mạng ở nước này trong tổng số 117.710 người được xác định đã nhiễm bệnh COVID-19.
250.000 công dân EU đang cố tìm cách hồi hương
Cũng trong ngày 3/4, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết hơn 250.000 công dân EU vẫn đang cố tìm cách để về nhà, và số trường hợp bị mắc kẹt do dịch COVID-19 hiện vẫn còn cao kể cả sau khi EU đã hồi hương được khoảng 350.000 người.
Kể từ khi EU thực hiện việc hồi hương công dân của mình vào giữa tháng Ba, số người châu Âu bị kẹt ở nước ngoài tìm kiếm sự giúp đỡ tiếp tục tăng khi ngày càng nhiều trong số họ tìm kiếm sự hỗ trợ qua các đại sứ quán đóng ở nước sở tại.
Trả lời báo chí sau Hội nghị trực tuyến các bộ trưởng EU, ông Borrell cho biết liên minh này đã hồi hương được hơn 350.000 công dân châu Âu nhưng vẫn còn tới 250.000 trường hợp bị mắc kẹt, và nhiều hoạt động giúp đỡ đang được tiến hành.
Như một phương sách cuối cùng, EU đã sử dụng đến chương trình máy bay xử lý khủng hoảng của mình khi không có hãng hàng không thương mại nào sẵn sàng cất cánh để đưa khoảng 10.000 công dân của mình về nhà, tuy nhiên nhiều quốc gia còn quá xa để hội đủ điều kiện.
Với sự kết hợp giữa máy bay thuê bao và máy bay quân sự, các tổ chức của EU giúp các chính phủ thành viên trang trải chi phí hồi hương trên các chuyến bay với hành khách thuộc nhiều quốc gia EU.
Đại diện cấp cao EU nhấn mạnh những nỗ lực của khối sẽ tiếp tục, nhưng mỗi ngày qua đi lại càng khó khăn hơn.
Các hãng hàng không ngừng hoạt động và nhiều không phận bị đóng, nhưng ông Borrell nói rằng lần lượt rồi tất cả những người mắc kẹt sẽ được trở về nhà./.