Dịch COVID-19: Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Singapore mở biên giới

Trong một tháng qua, số ca mắc COVID-19 hằng ngày ở Mỹ đã tăng gấp 6 lần, trong khi số ca tử vong tăng gấp 4 lần. Từ 10/8, Singapore sẽ mở cửa đường biên giới cho người mang thẻ lao động.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h00 ngày 7/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 202.380.346 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.290.213 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 181.882.096 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 632.641 ca tử vong trong tổng số 36.447.123 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 427.401 ca tử vong trong số 31.894.483 ca bệnh. Brazil đứng thứ ba với 561.807 ca tử vong trong số 20.108.746 bệnh nhân.

Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 597 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 295 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,38 triệu ca tử vong trong hơn 41,2 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 60 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,2 triệu ca tử vong.

Châu Á ghi nhận hơn 692.100 ca tử vong trong hơn 45,3 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 641.900 ca tử vong trong hơn 36,8 triệu ca nhiễm.

Châu Phi ghi nhận hơn 174.900 ca tử vong, Trung Đông có hơn 163.000 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.400 người.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, trong một tháng qua, số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Mỹ đã tăng gấp 6 lần, trong khi số ca tử vong tăng gấp 4 lần.

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta và việc giảm tốc tiêm phòng vaccine được cho là hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, buộc CDC Mỹ phải khuyến cáo người dân đeo khẩu trang trở lại và thậm chí tái áp đặt biện pháp hạn chế tụ tập đông người ở những khu vực điểm nóng.

Số liệu của CDC Mỹ cho thấy mỗi ngày nước này có khoảng 120.000 ca mắc mới, chủ yếu là biến thể Delta. Các chuyên gia y tế cảnh báo biến chủng này có thể sẽ khiến biểu đồ dịch bệnh tại Mỹ tiếp tục đi lên trong những tuần tới. Không chỉ do biến thể Delta, tâm lý bài vaccine ở một bộ phận dân chúng Mỹ cũng khiến cho số ca mắc mới tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Theo Nhà Trắng, hiện 50% dân số Mỹ đã được tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19, nhưng vẫn còn nhiều người không tiêm. CDC Mỹ mới đây cũng công bố nghiên cứu cho biết những người không được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 có nguy cơ tái nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn gấp hai lần so với những người được tiêm chủng đầy đủ.

[CDC Mỹ: Người chưa tiêm phòng có nguy cơ tái nhiễm cao gấp đôi]

Trong khi đó, Viện Y tế tối cao Italy (ISS) cho biết số ca nhiễm mới tại nhiều vùng của nước này vẫn đang tăng lên nhưng tốc độ đã chậm hơn so với các tuần trước.

Theo người đứng đầu ISS Silvio Brusaferro, biến thể Delta đang chiếm đa số các ca nhiễm mới tại Italy và tác động nhiều nhất đến nhóm đối tượng từ 10-20 tuổi.

Trong ngày 6/8, nước này ghi nhận 6.599 ca nhiễm mới và 24 ca tử vong. Tỷ lệ dương tính trên tổng số mẫu xét nghiệm trong tuần này là 1,56%, thấp hơn so với các tuần trước đó và có thể giảm xuống còn 1,23% trong tuần tới. Tuy nhiên, khi chỉ số này vẫn lớn hơn 1% thì có nghĩa dịch bệnh vẫn đang lan rộng.

Ngoài ra, do số ca nhiễm bình quân trên 100.000 dân ở Italy vẫn ở mức trên 50 nên đang gây khó khăn cho việc truy vết và xác định nguồn lây. Hiện đã có 64% người dân Italy trong nhóm tuổi từ 20-29 và 75% số người trong nhóm trên 50 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.

Số bệnh nhân COVID-19 cần chăm sóc tăng cường tại các bệnh viện chiếm tỷ lệ 3%, trong khi số bệnh nhân cần điều trị thông thường chiếm khoảng 4%.

Kiểm tra thân nhiệt của học sinh tham dự kỳ thi đại học tại Banda Aceh, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Indonesia đang soạn thảo chiến lược sử dụng 300 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 dự kiến sẽ được chuyển giao cho quốc gia này trong khoảng thời gian từ tháng 8-12.

Số vaccine này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động tiêm chủng hàng loạt được khởi động từ ngày 13/1 vừa qua, theo đó tăng gấp đôi quy mô tiêm chủng từ nay đến cuối năm, nhằm đạt được mục tiêu tiêm hai triệu liều vaccine/ngày từ nay đến tháng 12/2021.

Tính đến nay Indonesia đã tiếp nhận khoảng 152 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và đã tiêm 69 triệu liều trong số đó.

Tại Singapore, dù số ca nhiễm COVID-19 hằng ngày chưa có chiều hướng giảm mạnh nhưng nước này vẫn quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trước thời hạn đặt ra trước đó là ngày 18/8, bắt đầu mở cửa nền kinh tế theo “bốn giai đoạn” và chấp nhận “sống chung” với COVID-19, dù tỷ lệ nhiễm hay tử vong có thể gia tăng.

Số ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại Đảo quốc Sư tử vẫn duy trì bình quân khoảng 100 ca/ngày trong tuần qua, trong đó có từ 30-40 ca nhiễm không rõ nguồn gốc, dù nước này đã và đang thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 22/7 vừa qua.

Tuy nhiên, lực lượng đặc trách COVID-19 ngày 6/8 cho biết, nước này sẽ bắt đầu giai đoạn một, được gọi là “giai đoạn chuẩn bị," của tiến trình mở cửa nền kinh tế theo bốn giai đoạn, từ ngày 10/8 tới đây, với ưu tiên nới lỏng hạn chế cho nhóm người đã tiêm đủ hai mũi vaccine.

Từ ngày 10/8, Singapore quyết định sẽ mở cửa đường biên giới, cho phép nhập cảnh đối với những người mang thẻ lao động và người đi theo, kể cả đến từ các nước thuộc diện “nguy cơ cao,” nếu đã tiêm đủ hai mũi vaccine, bất kể loại nào trong danh mục vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép. Lao động trong lĩnh vực giúp việc, xây dựng, cảng biển, trẻ dưới 12 tuổi sẽ được miễn yêu cầu này.

Trẻ từ 12-17 tuổi cũng dược miễn trừ với điều kiện sẽ đi tiêm vaccine trong vòng 1 tháng kể từ ngày nhập cảnh vào Singapore.

Bắt đầu từ ngày 21/8, Singapore sẽ cho phép những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine từ các quốc gia “rủi ro thấp” nhập cảnh vào Singapore được phép lựa chọn cách ly tại nhà 14 ngày thay vì tại các cơ sở cách ly.

Trước mắt, quy định này sẽ áp dụng cho người có 21 ngày cư trú liên tục tại tám quốc gia gồm Áo, Australia, Canada, Đức, Italy, Na Uy, Hàn Quốc và Thụy Sĩ.

Singapore sẽ tiếp tục bổ sung danh sách này, đồng thời xem xét thiết lập “làn đi lại cho người đã tiêm vaccine” để bãi bỏ yêu cầu cách ly với một số quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục