Dịch COVID-19: Malaysia đổi chiến lược về miễn dịch cộng đồng

Bộ trưởng Y tế Malaysia cho biết các chuyên gia y tế trên thế giới hiện đã không còn sử dụng công thức thông thường và thay bằng chiến lược tiêm vaccine cho càng nhiều người càng tốt.
Dịch COVID-19: Malaysia đổi chiến lược về miễn dịch cộng đồng ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ Y tế Malaysia (MOH) sẽ không sử dụng công thức thông thường để tính toán tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng, mà theo đó tỷ lệ này là ít nhất 80% dân số trưởng thành được tiêm vaccine.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu ngày 23/9 tại phiên họp quốc hội, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết các chuyên gia y tế trên thế giới hiện đã không còn sử dụng công thức này và thay bằng chiến lược tiêm vaccine cho càng nhiều người càng tốt.

Nguyên nhân là do biến thể siêu lây nhiễm Delta xuất hiện đã ảnh hưởng đến mục tiêu miễn dịch cộng đồng trước thời điểm tiêm được cho 80% dân số trưởng thành.

Bộ trưởng Jamaluddin nhấn mạnh, khi bắt đầu chương trình tiêm chủng, Malaysia đã sử dụng công thức thông thường để đánh giá khả năng miễn dịch cộng đồng -  khoảng 80% dân số trưởng thành hoàn thành tiêm chủng. Tuy nhiên, đó là trước khi biến thể Delta lan rộng.

[Các nước ASEAN tăng tốc tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân]

Biến thể Delta về cơ bản đã ảnh hưởng đến cách tính toán tỷ lệ dân số được tiêm để đạt miễn dịch cộng đồng và rất khó để nói khi nào sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng.

Đó là lý do tại giới chức y tế Malaysia không nên xem xét khả năng miễn dịch cộng đồng nữa. Thay vào đó, tăng tốc độ tiêm chủng vaccine nhanh nhất có thể.

Tính đến ngày 22/9, thông qua Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 khởi động từ ngày 24/2, đã có 81% dân số Malaysia trưởng thành hoàn thành tiêm chủng, sớm hơn dự kiến mà nước này đặt ra.

Ngày 23/9, số ca nhiễm mới COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục giảm trong một tuần qua, xuống còn 13.754 ca/ngày.

Điều đáng mừng là có tới 98,2% số các ca nhiễm mới là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, số còn lại là các ca phải thở máy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục