Theo hãng tin Kyodo, kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) bùng phát cho đến nay, ngày càng có nhiều thông tin về việc người nước ngoài tại các khu vực có đông người nước ngoài sinh sống ở Nhật Bản trở thành mục tiêu của tình trạng phân biệt đối xử và các phát biểu đầy thù hận.
“Người nước ngoài bẩn thỉu,” một sinh viên người Ấn Độ 22 tuổi tại Đại học châu Á-Thái Bình Dương Ritsumeikan (APU) đã phải nhận lời nói miệt thị như vậy trong lúc đang đi gần ga JR Beppu ở tỉnh Oita vào giữa tháng 8/2020. Lời nói miệt thị như vậy xuất phát từ 3 người đàn ông Nhật Bản, dường như ở độ tuổi 30.
Nằm ở thành phố Beppu, phía Tây Nam Nhật Bản, APU đã có hơn chục sinh viên thuộc diện trao đổi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) từ ngày 8/8.
[COVID-19: Thủ đô của Nhật Bản nâng cảnh báo lên mức cao nhất]
Tuy nhiên, sinh viên Ấn Độ nói trên không nằm trong nhóm này. Anh ta đã cố gắng phản ứng nhưng những người đàn ông Nhật Bản đã nói với anh ta rằng: “Chúng ta đang giãn cách xã hội. Biến đi.” Vì vậy, cuối cùng, anh ta không thể làm gì.
Những thành kiến như vậy đối với người nước ngoài được cho là kết quả của sự lo ngại quá mức về nguy cơ nhiễm bệnh và sự thiếu hiểu biết trong số những người không có cơ hội để tiếp xúc với các cộng đồng người nước ngoài nơi họ sinh sống.
Hiện có khoảng 2.700 sinh viên thuộc diện trao đổi đang học tại APU, chiếm gần 50% số lượng sinh viên của trường đại học này.
Họ thường xây dựng các mối liên hệ với cộng đồng địa phương thông qua việc làm thêm và các hoạt động ngoại khóa.
Tuy nhiên, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, thành phố Beppu đã nhận được nhiều tin báo rằng một số cửa hàng cắt tóc và cơ sở ăn uống đã treo biển cấm vào đối với các sinh viên của trường đại học này.
Phản ứng trước hiện tượng đó, APU đã ngay lập tức gửi khoảng 1.500 thông báo tới các chủ cơ sở kinh doanh để nhắc nhở họ rằng “chống virus SARS-CoV-2, chứ không phải chống lại con người.”
Gần đây, một số cơ sở kinh doanh ở khu vực phố người Hoa (Chinatown) tại thành phố Yokohama thuộc tỉnh Kanagawa, giáp thủ đô Tokyo, cũng thông báo rằng họ đã nhận được các tin nhắn thù ghét vào tháng 3/2020, trong đó đổ lỗi cho người Trung Quốc là nguyên nhân gây ra sự bùng phát của đại dịch COVID-19, với các thông điệp như “cút khỏi Nhật Bản."
Kết quả thăm dò dư luận do tạp chí đa ngôn ngữ Fukuoka Now thực hiện trong tháng 5/2020 với sự tham gia của khoảng 400 người nước ngoài cho thấy có khoảng 20% số người được hỏi cho biết họ đã gặp phải một hình thức phân biệt nào đó có liên quan tới dịch COVID-19.
Ông Toshihiro Menju, Giám đốc Điều hành Trung tâm Giao lưu Quốc tế Nhật Bản, tin rằng việc đảm bảo người bản địa và người nước ngoài có cơ hội tương tác là một giải pháp xóa bỏ tình trạng phân biệt và thành kiến như vậy.
Ông nói: “Mối quan hệ (giữa người bản địa và người nước ngoài) được xây dựng trong cộng đồng hàng ngày thường phát triển trong các giai đoạn bất thường."
Do người nước ngoài, trong đó có nhiều người Nhật Bản gốc Brazil, chiếm khoảng 10% dân số Minokamo thuộc tỉnh Gifu, nên thành phố này đang nỗ lực tăng cường chia sẻ thông tin với cộng đồng người nước ngoài tại đây.
Các quan chức thành phố, cùng với một linh mục có kinh nghiệm về phiên dịch, đã tới 10 nhà thờ có đông người nước ngoài để thúc giục họ thực hiện các biện pháp triệt để để phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19.
Ông Menju nói: “Các chính quyền địa phương cần đối xử với người nước ngoài giống như với người Nhật Bản và đưa ra các hướng dẫn cũng như các chính sách rõ ràng cho họ."
Không chỉ có tình trạng phân biệt đối xử với người nước ngoài, dịch COVID-19 cũng dẫn tới sự gia tăng của các hành vi phân biệt đối xử với các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao và thân nhân của họ.
Chẳng hạn, vào giữa tháng 4/2020, một trường tiểu học ở thành phố Niihama thuộc tỉnh Ehime đã yêu cầu các con của hai người lái xe tải đường dài thường xuyên đi lại tới các thành phố lớn như Tokyo và Osaka ở nhà trong vòng 2 tuần.
Ba đứa trẻ đã không thể tham dự các buổi lễ ở trường cho dù không có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe.
Sau đó, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) đã phải yêu cầu sở giáo dục và các cơ quan chức năng khác của các tỉnh thực hiện các biện pháp triệt để nhằm ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử và thành kiến đối với những người có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trong thông báo gửi các sở giáo dục các địa phương, MEXT nhấn mạnh bất kỳ hành động phân biệt đối xử hay thành kiến nào với các nhân viên y tế hoặc những người có liên quan tới việc duy trì các hoạt động xã hội “đều không phù hợp và không nên tái diễn”./.