Hàng triệu người lao động có truyền thống xuống đường tuần hành hưởng ứng Ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Tuy nhiên, với việc một nửa dân số trên thế giới chịu tác động từ lệnh phong tỏa do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ngày lễ này năm nay sẽ diễn ra theo cách đặc biệt chưa từng có.
Với các cuộc tuần hành bị hủy bỏ ở nhiều quốc gia vì COVID-19, các công đoàn đã khởi xướng ý tưởng thay thế, kêu gọi người lao động ở nhà và treo các biểu ngữ ngoài ban công hoặc truyền tải những thông điệp ý nghĩa trên mạng xã hội.
Tổng Liên đoàn Lao động Anh (TUC) quyết định tạm hoãn các sự kiện đã lên kế hoạch hồi tháng trước, song nhấn mạnh "điều quan trọng hơn bao giờ hết đó là ghi nhận sự đóng góp của người lao động," đặc biệt khi các công nhân viên trong Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) đang ngày đêm mạo hiểm mạng sống của họ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
TUC hối thúc người dân đăng tải “một đoạn video ngắn trên mạng xã hội cám ơn người lao động đã tạo nên sự khác biệt cho bạn” kèm từ khóa #mayday và #ThankAWorker.
Trong khi các công đoàn tại Mỹ và Canada dự kiến tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động vào tháng 9 tới, thì kỳ nghỉ lễ này được đánh dấu vào nhiều ngày khác nhau tại Australia, New Zealand và tại châu Âu.
[Các nước châu Âu từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa chống dịch]
Nhiều nhà hoạt động châu Á đã phải chuyển hướng sang các hoạt động trực tuyến do hàng loạt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Tại Pháp, nơi nhiều cuộc tuần hành quy mô lớn thường được tổ chức ở hầu hết các thành phố lớn, các tổ chức công đoàn vẫn tích cực kêu gọi thực hiện phong trào treo các biểu ngữ tại nhà hay đăng tải trên mạng xã hội.
Mục đích của hoạt động này là nhằm phản ánh thực trạng người lao động thu nhập thấp "bị lãng quên" chẳng hạn như các nhân viên y tế, nhân viên siêu thị và cả những người lao công.
Tại Italy, một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, buổi hòa nhạc truyền thống Ngày Quốc tế Lao động ở thủ đô Rome vẫn sẽ diễn ra, song không mở cửa đón khách. Thay vào đó, buổi hòa nhạc đặc biệt – có sự tham gia của một số ngôi sao tên tuổi - mang tên “Làm việc trong an toàn: Hãy xây dựng Tương lai” sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh Rai 3.
Trong khi đó, công đoàn lớn nhất Hy Lạp GSEE đã hối thúc các thành viên “tuân thủ các quy định cấm tụ tập trên 10 người” do chính phủ nước này ban hành hồi tháng trước.
Tại Nga, cuộc tuần hành quy mô lớn do các tổ chức công đoàn phối hợp với Điện Kremlin dự kiến tiến hành đã bị hủy bỏ do đại dịch COVID-19.
Tại Trung Quốc, dù dịch bệnh COVID-19 đã phần nào nằm trong tầm kiểm soát của giới chức y tế, nhưng theo các báo cáo chính thức, nhiều hoạt động cho đến nay vẫn chưa thể trở lại bình thường. Chính phủ nước này thậm chí còn quyết định kéo dài kỳ nghỉ lễ truyền thống 1/5 thành 2 ngày với hy vọng có thể kích cầu bán lẻ và du lịch.
Tại Thụy Điển, dù là nước có cách tiếp cận nhẹ nhàng gây nhiều tranh cãi khác với phần còn lại của châu Âu trong cuộc chiến chống COVID-19, nhưng tất cả các cuộc tuần hành dịp 1/5 này cũng đều bị hủy bỏ.
Tương tự như các quốc gia láng giềng khu vực Scandinavia, các nhà hoạt động cùng công đoàn FH lớn nhất tại Đan Mạch đang thực hiện chiến dịch đặc biệt trên mạng xã hội Facebook với khẩu hiệu “Mạnh mẽ hơn cùng nhau, nhưng cùng giữ khoảng cách an toàn.”
Tại Phần Lan, dịp 1/5 năm nay trùng với lễ hội mùa Xuân truyền thống Vappu - vốn thu hút rất nhiều người tham dự - song không khí có phần trầm lắng do lệnh phong tỏa và cảnh sát thông báo đóng cửa các công viên.
Tại Iran - một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, các cuộc tuần hành Ngày 1/5 cũng đã bị cấm tổ chức.
Ở khu vực Bắc Phi, công đoàn CDT của Maroc và UGTT của Tunisia quyết định tuân thủ các quy định phong tỏa, song vẫn sẽ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động năm nay thông qua hình thức trực tuyến./.