Dịch COVID-19: Kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng thấp nhất

Các chuyên gia tham gia cuộc khảo sát cũng lạc quan cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi trong quý 2/2020, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 5,7%.
Dịch COVID-19: Kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng thấp nhất ảnh 1Kinh tế Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. (Nguồn: Reuters)

Theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters, do ảnh hưởng dịch viêm đường hô hấp COVID-19, kinh tế Trung Quốc trong quý 1/2020 sẽ tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, song đà giảm tốc này sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn nếu dịch bệnh được ngăn chặn.

Cuộc khảo sát trên được Reuters thực hiện với 49 chuyên gia kinh tế tại Trung Quốc, khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, cũng như châu Âu và Mỹ từ ngày 7-13/2, cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 1/2020 sẽ giảm từ 6% ghi nhận trong quý trước đó, xuống còn 4,5%, từ đó kéo mức tăng của cả năm nay từ 6,1% đạt được trong năm 2019 xuống còn 5,5%, mức tăng thấp nhất kể từ ít nhất là năm 1990.

Tuy nhiên, các chuyên gia tham gia cuộc khảo sát cũng lạc quan cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi trong quý 2/2020, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 5,7%.

Dịch COVID-19 hiện đang diễn biến hết sức phức tạp tại Trung Quốc, với số người nhiễm mới và số ca tử vong không ngừng gia tăng.

[Bắc Kinh nhận định về tác động của nCoV đối với nền kinh tế Trung Quốc]

Trong kịch bản tồi tệ nhất, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm xuống 3,5% trong quý 1/2020, theo dự đoán trung bình của 15 chuyên gia kinh tế.

Iris Pang, chuyên gia kinh tế của công ty ING ở Hong Kong, cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ không phục hồi nhanh chóng, thậm chí trong trường hợp không có ca nhiễm mới.

Chuyên gia này cho rằng sau khi dịch bệnh được khống chế, kinh tế Trung Quốc sẽ phải mất bốn quý để có thể phục hồi hoàn toàn. Ông nhấn mạnh so với với dịch SARS năm 2003, dịch bệnh lần này gây thiệt hại lớn hơn nhiều.

Kể từ năm 2003, kinh tế Trung Quốc đã chuyển dịch từ “công xưởng của thế giới” trở thành nền kinh tế lấy động lực nhiều hơn từ tiêu dùng và dịch vụ.

Bên cạnh đó, tỷ trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới đã tăng gấp bốn lần lên 16% kể từ thời điểm bùng phát dịch SARS, vì vậy, bất cứ sự gián đoạn lớn nào trong hoạt động kinh tế của nước này có thể gây tác động lớn hơn đến nền kinh tế thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục