Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo kinh tế của Thái Lan trong năm 2020 xuống mức giảm 6,7% do tác động của dịch COVID-19 tới nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới được công bố trên truyền thông địa phương, IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm 2021 lên 6,1%.
Trước đó, IMF trong tháng 1/2020 đã dự báo kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021.
Theo báo cáo của IMF, các nền kinh tế Singapore, Malaysia và Campuchia dự báo sẽ giảm lần lượt là 3,5%, 1,7% và 1,6% trong năm 2020.
Việt Nam nổi lên là nền kinh tế tốt nhất của ASEAN trong báo cáo với tăng trưởng 2,7%, tiếp theo là Myanmar với tăng trưởng 1,8%.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) vừa mới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này từ 2,8% xuống -5,3% sau khi dịch COVID-19 gia tăng.
BoT còn dự báo tăng trưởng âm trong tất cả các quý, với mức tồi tệ nhất trong thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu.
Hiệp hội các ngân hàng Thái Lan (TBA) cho biết nền kinh tế Thái Lan có thể bị mất 1.300 tỷ baht (39,74 tỷ USD), chiếm 7,7% GDP do thiệt hại từ tác động của dịch COVID-19, tương đương với sự suy giảm từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.
TBA cảnh báo sự sụt giảm kinh tế có thể trầm trọng hơn nếu dịch COVID-19 không được kiềm chế vào cuối quý 2.
Đại dịch COVID-19 đã làm đình trệ hoạt động kinh tế của Thái Lan, đặc biệt là khu vực du lịch, khi mà nước này buộc phải áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm, đóng cửa các trung tâm thương mại, nhà hàng…, và cấm các chuyến bay chở khách nhằm hạn chế sự lây lan.
Nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang khó khăn, Bộ Tài chính Thái Lan cho biết nước này có kế hoạch thực hiện 92 dự án đối tác công tư (PPP) với tổng trị giá 1.090 tỷ baht, trong đó có 18 dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên cao có tổng trị giá 472 tỷ baht.
[Kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan năm 2020 có thể sụt giảm đến 2 con số]
Nội các Thái Lan ngày 16/4 cũng đa thông qua việc cắt giảm 50% đầu tư và 25% ngân sách thường xuyên trong tài khóa 2021 nhằm huy động vốn để giảm nhẹ gánh nặng tài chính bắt nguồn từ dịch COVID-19.
Truyền thông sở tại dẫn lời Người phát ngôn Chính phủ Narumon Pinyosinwat cho biết tất cả các cơ quan nhà nước được yêu cầu sửa đổi ngân sách tài khóa phù hợp với kế hoạch mới được Nội các thông qua và tái trình lên Cục Ngân sách vào ngày 22/4.
Theo bà Narumon, việc cắt giảm ngân sách sẽ không được áp dụng đối với những hạng mục bắt buộc cũng như những quỹ đề xuất cho các hội thảo, chương trình tập huấn, quan hệ công chúng, sinh hoạt phí, chi phí ăn ở tạm thời, phương tiện và các chuyến đi nước ngoài cần thiết.
Nội các Thái Lan hôm 7/1 đã thông qua ngân sách tài khóa 2021 có tổng trị giá 3.300 tỷ baht (hơn 100 tỷ USD), với mức thâm hụt 523 tỷ baht.
Ngân sách tài khóa 2021 cao hơn ngân sách tài khóa 2020 3,1%, tương đương 100 tỷ baht.Ngân sách tài khóa 2021 được xây dựng dựa trên dự báo tăng trưởng kinh tế đạt 3,1-4,1% và tỷ lệ lạm phát là 0,7-1,7%.
Ngân sách tài khóa 2021 sẽ tập trung chủ yếu vào tái cơ cấu xã hội và kinh tế, sự ổn định tăng trưởng kinh tế, phân phối lại thu nhập tới các khu vực xa xôi, phát triển kinh tế địa phương và giảm bất bình đẳng thu nhập.
Chính phủ Thái Lan đã thành lập một ủy ban mới với nhiệm vụ xử lý các biện pháp giảm nhẹ dành cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo lệnh của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha hôm 14/4.
Ủy ban này cũng sẽ giám sát và đánh giá những biện pháp giảm nhẹ đã được đưa ra để đối phó với tác động của dịch COVID-19.
Nội các Thái Lan ngày 15/4 cũng thông qua đề xuất của Hệ thống An sinh Xã hội (SSS) mở rộng chương trình bồi thường tài chính COVID-19 dành cho những lao động thường xuyên bị mất việc do “bất khả kháng” từ tác động của dịch bệnh.
Tỷ lệ bồi thường là 62% lương theo ngày và thời gian bồi thường tối đa 90 ngày, tương đương mức dành cho các lao động mất việc do doanh nghiệp của họ được lệnh đóng cửa để kiềm chế dịch COVID-19.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ họp với các nhà chế tạo, những người điều hành thương mại và các cửa hàng bách hóa để đề nghị hợp tác trong việc hạ giá những mặt hàng thiết yếu, với trọng tâm là lương thực và vật dụng hàng ngày, nhằm giảm nhẹ chi phí sinh hoạt của những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh./.