Dù chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Giáng sinh, nhiều quốc gia châu Âu đang cân nhắc khả năng áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn do số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng.
Tại Italy, chính phủ nước này đang cân nhắc áp dụng trên toàn quốc các hạn chế gắt gao hơn trong suốt kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới, trong bối cảnh có các cuộc tụ họp đông người tăng trở lại vào cuối tuần qua sau khi Rome nới lỏng một số quy định trong tháng trước.
Trả lời phỏng vấn của truyền thông ngày 14/12, Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết các hạn chế mới là cần thiết để tránh bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ 3.
Theo truyền thông Italy, nhiều khả năng chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa một phần từ ngày 24/12/2020 đến ít nhất ngày 2/1/2021, gia hạn lệnh giới nghiêm ban đêm và duy trì lệnh cấm các hoạt động không cần thiết, cũng như đóng cửa cửa hàng, quán bar, nhà hàng vào dịp cuối tuần và ngày lễ. Các cửa hàng bán nhu yếu phẩm vẫn được hoạt động.
Hồi tháng 11, Chính phủ Italy đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế sau khi các bệnh viện không còn trong tình trạng quá tải và số ca mắc mới được kiểm soát.
Tuy nhiên, các cuộc tụ tập đông người ở các khu vực mua sắm trong thành phố Milan và Rome hồi cuối tuần qua đã gây quan ngại về nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 và buộc cảnh sát phải đóng cửa những khu vực này.
Ngày 12/12 vừa qua, Italy đã vượt Anh, trở thành quốc gia châu Âu có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất với hơn 65.000 trường hợp kể từ tháng 2.
Hồi đầu tháng 12, các nhà chức trách Italy đã đưa ra sắc lệnh mới về ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan, theo đó cấm người dân đi lại giữa các vùng, các thành phố trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới, trừ trường hợp đi làm, đến các cơ sở y tế hoặc trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, chính phủ cũng cấm đi lại giữa 20 vùng tại nước này từ ngày 21/12/2020 -6/1/2021, đóng cửa các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trong khoảng thời trên và áp đặt lệnh giới nghiêm sau 22h.
Tại Hà Lan, cũng trong ngày 14/12, Mark Rutte cho biết nước này sẽ thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất từ trước đến này và kéo dài trong 5 tuần nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19.
Phát biểu trên truyền hình trong bối cảnh nhiều người biểu tình tụ tập bên ngoài văn phòng thủ tướng, ông Rutte nhấn mạnh Hà Lan không phải đối mặt với bệnh cúm thông thường như mọi người nghĩ và nước này phải chấp nhận đối mặt với khó khăn trước khi tình hình được cải thiện hơn.
[[Photo] Chuẩn bị Giáng sinh ở châu Âu trong bối cảnh dịch bệnh]
Theo biện pháp mới, trừ những điểm bán nhu yếu phẩm như siêu thị, cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc, tất cả cửa hàng buộc phải đóng cửa từ ngày 15/12/2020 đến ngày 19/1/2021. Các trường học phải đóng cửa từ ngày 16/12. Người dân cũng được yêu cầu ở nhà và chỉ được phép tiếp đón tối đa 2 khách/ngày, trừ ngày Giáng sinh là 3 người. Các bảo tàng, sở thú, rạp chiếu phim, phòng tập thể hình cùng buộc dừng hoạt động. Các quán cà phê, nhà hàng chỉ phục vụ khách gọi đồ mang về.
Mới đây, số ca mắc mới tại Hà Lan đã lên gần mức 100.000 ca/ngày trong khi số ca tử vong do COVID-19 đã vượt mức 10.000 trường hợp hồi cuối tuần qua.
Còn tại Litva, chính phủ mới đã gia hạn lệnh phong tỏa trên toàn quốc đến ngày 31/1/2021, đồng thời siết chặt việc đi lại đến ngày 3/1 năm sau trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng. Theo đó, từ ngày 16/12, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà để đi làm, mua đồ thiết yếu, khám chữa bệnh, và tham gia lễ tang. Gia đình được phép đi dạo trong không gian mở.
Các tiếp xúc xã hội bị giới hạn trong 1 gia đình hoặc 1 hộ gia đình, các sự kiện có sự tham gia của hơn 1 hộ gia đình đều bị cấm. Các cửa hàng không thiết yếu buộc phải đóng cửa hoặc chuyển sang dịch vụ trực tuyến. Các cơ sở giáo dục chuyển sang hình thức hoạt động từ xa.
Litva đã áp đặt lệnh phong tỏa thứ hai từ ngày 7-29/11, sau đó gia hạn biện pháp này đến ngày 31/12 tới do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Theo worldmeters.info, Litva đến nay ghi nhận 95.021 ca mắc và 825 ca tử vong. Litva hiện là quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao thứ ba trong Liên minh châu Âu, sau Croatia và Luxembourg./.