Dịch COVID-19: Hành động đẹp từ những trái tim Việt Nam

Chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19, người dân Việt Nam đã đồng lòng cùng Chính phủ bằng rất nhiều hành động cụ thể, những tấm lòng thiện nguyện đang được nhân lên mỗi ngày.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu chứng kiến các tổ chức và cá nhân quyên góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Những ngày này, người dân trên mọi miền Tổ quốc đang cùng chung sức, đồng lòng với Đảng, Nhà nước chống "giặc" COVID-19. Đại dịch đang có tốc độ lây lan khủng khiếp và hiện đã lan ra 174 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, cướp đi sinh mạng hơn 8.900 người.

Hơn 2 tháng qua, Việt Nam đã dồn mọi nỗ lực để phòng, chống dịch bệnh ở quy mô chưa từng có tiền lệ. Với những nỗ lực trong khả năng của mình, Việt Nam đã chữa khỏi 16 ca mắc COVID-19, hiện chưa có bệnh nhân nào tử vong.

Phòng, chống đại dịch, quyết sách của Chính phủ Việt Nam luôn coi vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của mình.

Người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần khẳng định chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân. Tính nhân văn trong lựa chọn ấy của Chính phủ đã minh chứng cho truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng."

Phẩm chất của một con người sẽ được thể hiện qua việc xử lý những tình huống cụ thể, cũng giống như một dân tộc, một đất nước, trong khó khăn, hoạn nạn, truyền thống, cốt cách của dân tộc đó sẽ thể hiện thật rõ nét.

Chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19, người dân Việt Nam đã đồng lòng cùng Chính phủ bằng rất nhiều hành động cụ thể. Những tấm lòng thiện nguyện đang được nhân lên mỗi ngày, tô thắm truyền thống nhân nghĩa của dân tộc Việt.

Đó là cô bé Nguyễn Ngọc Trinh (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) trước đại dịch đã biết chia sẻ tấm lòng thơm thảo của mình, dùng số tiền mừng tuổi (hơn 3 triệu đồng) gửi tới Thành đoàn Hà Nội với mong muốn cùng các anh chị đoàn viên, thanh niên Thủ đô mua khẩu trang, nước rửa tay phát miễn phí cho bà con, nhân dân, thanh thiếu nhi Hà Nội.

Cô bé tâm sự rằng khi trở lại lớp học, em sẽ cùng các bạn trong lớp làm Dự án Phòng, chống dịch COVID-19, trong đó, các em sẽ hoàn thiện sơ đồ tư duy “những hiểu biết về dịch COVID-19,” hướng dẫn các bạn đội viên về cách sử dụng khẩu trang, cách rửa tay sạch, cùng quyên góp khẩu trang, nước rửa tay dành tặng các bạn nhỏ ở những nơi còn thiếu…”

Những suy nghĩ và tâm sự của cô bé Ngọc Trinh thật đáng trân trọng bởi việc nhân nghĩa đâu cần tuổi tác, vị trí xã hội. Tình tương thân, tương ái nằm nơi trái tim biết yêu thương, hành động vì cộng đồng.

"Thương người như thể thương thân," nữ "đại gia chân đất" ở Bắc Giang Trần Thị Bích Thủy đã ủng hộ 50 tấn gạo cho các đơn vị tuyến đầu chống dịch COVID-19. Hành động cảm kích này bắt nguồn khi bà Thủy được chứng kiến những vất vả của lực lượng bác sĩ, bộ đội trong công tác phòng, chống dịch.

"Thấy những hình ảnh đó tôi rất khâm phục và quyết định mình phải làm gì đó để giúp đỡ. Từ đó, tôi quyết định trích tiền mua 50 tấn gạo ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Hiện số gạo này đã được chuyển đến các nơi phòng dịch,” bà Thủy chia sẻ.

Ở những công việc, vị trí khác nhau, mọi người đều có cách của riêng mình để chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch bệnh. Ngay những ngày đầu chống dịch, Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội, cho biết nhà trường đã quyết định tổ chức sản xuất nước rửa tay khô để cung cấp miễn phí cho một số bệnh viện và đơn vị tập trung đông người trên địa bàn Hà Nội, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đại diện gia đình ông Chu Bảo Quế trao tặng vật tư y tế cho UBND huyện Việt Yên, Bắc Giang. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Ở miền Nam, các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kiên Giang cũng đã sản xuất thành công 700 lít dung dịch rửa tay khô sát khuẩn nhanh để tặng các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh cùng phòng, chống dịch COVID-19. 

Còn Thạc sĩ Huỳnh Phúc Minh, Trưởng đơn vị Quản lý dịch vụ buồng bệnh (Bệnh viện Trung ương Huế) đã tâm huyết chế tạo ra robot "Tâm An" để giảm áp lực công việc cũng như đảm bảo sức khỏe cho nhân y tế khi dịch COVID-19 đang bùng phát.

Trong phạm vi 50m, robot có thể được điều khiển để vận chuyển nhanh chóng 50-60 kg thức ăn, thuốc men, vật dụng đến các phòng bệnh.

Thành công này càng đáng trân trọng hơn bởi chế tạo không là chuyên môn của Thạc sỹ Huỳnh Phúc Minh, nhưng với tinh thần ham học hỏi, anh Minh đã tìm hiểu, nghiên cứu thêm về điện tử để hoàn thành chú robot "Tâm An" sau 2 tháng thực hiện và nhanh chóng đưa vào sử dụng.

[PVN trao tặng thiết bị y tế hỗ trợ công tác chống dịch COVID-19]

Khó có thể kể hết được những hành động thiết thực của người dân trên mọi miền Tổ quốc chung tay đẩy lùi dịch COVID-19. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức," trong khó khăn, ngặt nghèo chính là lúc tỏa sáng tinh thần, khí phách Việt Nam. 

"Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la, anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam"

Lời ca trong tác phẩm để đời "Nối vòng tay lớn" của nhạc sỹ tài danh Trịnh Công Sơn dường như đã thể hiện lẽ sống, bản ngã sâu thẳm trong mỗi con người Việt Nam.

Truyền thống nhân nghĩa, tương thân, tương ái một lần nữa đã thể hiện thật ý nghĩa tại lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 17/3 vừa qua.

Ngay tại lễ phát động, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng để góp sức cùng Chính phủ ngăn chặn đại dịch. 

Cộng hưởng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi "mỗi người dân, đặc biệt là giới doanh nhân, các giới, các đơn vị và người dân tùy theo khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức góp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng, kể cả bà con ở nước ngoài xa xôi, hãy nêu cao tinh thần đoàn kết, "tương thân tương ái," "thương người như thể thương thân," "lá lành đùm lá rách" của dân tộc, điều bao đời nay luôn là giá trị nền tảng của dân tộc Việt Nam và đem lại sức mạnh để chúng ta vượt mọi khó khăn thử thách, đi đến thắng lợi cuối cùng.”

Những việc làm nhân nghĩa, những đóng góp hữu ích của người dân vẫn đang ngày ngày đơm nở, góp phần lan tỏa những giá trị sống tích cực, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái vốn sẵn có trong huyết quản của mỗi người dân Việt Nam. Tinh thần ấy là hành trang quý báu trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục