Dịch COVID-19: Đức thông báo kế hoạch chấm dứt tình trạng khẩn cấp

Trong cuộc thảo luận với Bộ trưởng Y tế các bang ở Đức ngày 18/10, Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn thông báo sẽ chấm dứt "tình trạng dịch bệnh phạm vi toàn quốc" (tình trạng khẩn cấp).
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình trạng khẩn cấp dịch bệnh được Quốc hội liên bang Đức ban bố lần đầu tiên từ tháng 3/2020 và được nhiều lần gia hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay cũng như tỷ lệ tiêm chủng tích cực ở Đức, nhà chức trách nước này cho biết có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 11 tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong cuộc thảo luận với Bộ trưởng Y tế các bang ở Đức ngày 18/10, Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn thông báo sẽ chấm dứt "tình trạng dịch bệnh phạm vi toàn quốc" (tình trạng khẩn cấp).

Theo báo cáo của Bộ Y tế liên bang, với việc Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) xếp nguy cơ "vừa phải" đối với những người đã tiêm chủng và căn cứ tỷ lệ tiêm chủng hiện tại, Đức có thể chấm dứt tình trạng dịch bệnh với những quy định đặc biệt trên phạm vi toàn quốc vào ngày 25/11 tới.

Đức đã ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 28/3/2020 và kéo dài liên tục gần 19 tháng qua. Gần đây nhất, cuối tháng 8 vừa qua, Quốc hội liên bang đã gia hạn tình trạng này thêm 3 tháng. Quy định sẽ tự động hết hiệu lực nếu chính phủ không kiến nghị quốc hội tiếp tục gia hạn.

Với việc tình trạng khẩn cấp được xác lập, các sắc lệnh liên quan có thể được gia hạn gần như tự động, trong đó có những quy định như sắc lệnh về xét nghiệm COVID-19, sắc lệnh tiêm chủng, sắc lệnh nhập cảnh hay sắc lệnh theo dõi theo thời gian thực số bệnh nhân COVID-19 được chăm sóc đặc biệt cũng như công suất điều trị và số giường chăm sóc tích cực còn trống trên toàn nước Đức.

[Dịch COVID-19: Hàng chục nghìn học sinh Đức phải cách ly ở nhà]

Khi virus SARS-CoV-2 lây lan rộng ở Đức năm ngoái, quốc hội nước này đã thông qua Luật phòng chống lây nhiễm sửa đổi với những cơ sở pháp lý mới nhằm tăng cường khuôn khổ pháp lý cho việc chống đại dịch COVID-19, trong đó ban bố "tình trạng dịch bệnh phạm vi toàn quốc" và trao thẩm quyền cho chính phủ liên bang thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch.

Với quy định này, Bộ trưởng Y tế liên bang có thể ban hành nhiều quy định bằng các sắc lệnh mà không cần phải thông qua quốc hội. 

Song song với việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp nêu trên, Bộ Y tế liên bang cũng khuyến cáo tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch cơ bản, như duy trì quy định AHA+L (viết tắt của: giữ khoảng cách, vệ sinh dịch tễ, đeo khẩu trang và thông gió) và quy tắc 3G (đã tiêm, đã khỏi bệnh, đã xét nghiệm với kết quả âm tính) để vào một số địa điểm, sự kiện nhất định.

Theo Bộ Y tế liên bang Đức, cơ sở để cân nhắc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp dịch bệnh trước hết xuất phát từ tỷ lệ tiêm chủng khá cao ở nước này. Số liệu của RKI cho biết đến nay đã có gần 54,7 triệu người Đức được tiêm đầy đủ, chiếm 65,8% dân số. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở nhóm trên 60 tuổi (84,8%) và nhóm người trưởng thành (76,3%).

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở nhóm từ 12-17 tuổi mới chỉ đạt 38,6%. Cho tới nay, Đức đã tiến hành tiêm chủng tăng cường cho khoảng 1,3 triệu người.

Các cơ quan y tế Đức cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận gần 4.300 ca nhiễm mới COVID-19 và 34 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên 4,38 triệu ca và 94.645 ca tử vong.

Hiện trên cả nước Đức đang có 132.000 người mắc COVID-19; 1.456 ca phải điều trị tích cực, trong đó có gần 800 ca phải thở máy.

Tỷ lệ lây nhiễm (R) trong 7 ngày ở mức 1,03. Tình trạng mắc COVID-19 được ghi nhận đặc biệt cao ở nhóm trẻ em và thanh thiếu niên tại một số vùng ở Đức.

Theo RKI, tại 8 huyện trong tổng số hơn 400 đơn vị hành chính ở Đức ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong 7 ngày ở những người trong độ tuổi từ 10-19 lên tới trên 500 người./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục