Đức có số ca tử vong cao nhất trong ngày, nhiều nước siết phòng dịch

Dịch COVID-19: Đức ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong ngày

Theo thống kê từ cơ quan y tế Đức, chỉ trong 24 giờ qua, cả nước Đức đã ghi nhận 940 ca tử vong do COVID-19, trong khi số ca mắc cũng tăng thêm hơn 21.800.
Trong ảnh: Khu vực Cổng thành Brandenburg ở Berlin vắng người qua lại do COVID-19. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Đức đã lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 cao nhất trong ngày từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện tại nước này.

Theo thống kê từ cơ quan y tế Đức, chỉ trong 24 giờ qua, cả nước Đức đã ghi nhận 940 ca tử vong do COVID-19, trong khi số ca mắc cũng tăng thêm hơn 21.800.

Đây là ngày đầu tiên kể từ hồi đầu tháng 12 nước Đức ghi nhận số ca nhiễm mới giảm so với ngày trước đó, song số ca tử vong lại tăng lên mức cao nhất từ đầu dịch.

Trước tình hình dịch trên, Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) Lothar Wieler ngày 22/12 đã ra lời kêu gọi khẩn cấp gửi tới người dân Đức trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và đón Năm mới, đó là giảm tiếp xúc và chỉ nên gặp nhau ở nhóm nhỏ trong dịp nghỉ lễ này.

Ông Wieler cảnh báo nước Đức đang phải đối mặt với những tuần khó khăn phía trước và số ca lây nhiễm có thể tăng lên khi mọi người gặp gỡ gia đình, bạn bè và người thân trong dịp nghỉ lễ, song cho rằng tình trạng lây nhiễm có thể giảm nếu mọi người tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch bệnh hiện nay.

Về biến thể mới phát hiện ở Anh, ông Wieler cho biết chưa thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến thể này đối với đại dịch, song rõ ràng cấu trúc gen của virus liên tục thay đổi. Ông cũng cho rằng dù chưa được phát hiện, song khả năng biến thể của virus đã xuất hiện ở Đức là "rất, rất cao."

Ông cũng bày tỏ hài lòng khi giới chức y tế châu Âu đã phê duyệt việc sử dụng vắcxin, nhưng nhấn mạnh việc chủng ngừa vắcxin sẽ không thể thay đổi ngay được tình hình, bởi sẽ phải mất thời gian để có thể tiêm vắcxin cho một lượng lớn người dân.

Vắcxin BioNTech/Pfizer sẵn sàng phân phối tại EU

Trong khi đó, công ty BioNTech ngày 22/12 thông báo những lô vắcxin đầu tiên phòng COVID-19 có thể được vận chuyển tới các nước Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 23/12 để có thể sẵn sàng cho việc tiêm chủng ở các nước châu Âu bắt đầu từ ngày 27/12 tới.

Dự kiến, tới cuối năm nay sẽ có khoảng 12,5 triệu liều được sử dụng tại EU.

Trên toàn thế giới, vắcxin của BioNTech/Pfizer sẽ có tổng cộng 50 triệu liều tới cuối năm và trong năm 2021 sẽ có thêm 1,3 tỷ liều được sản xuất.

BioNTech thông báo vắcxin sẽ được phân phối trong các hộp lạnh đặc biệt sử dụng đá khô, trong đó vắcxin được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C. Những hộp này có thể được sử dụng để bảo quản trong các trung tâm tiêm chủng trong tối đa 15 ngày nếu đá khô mới được thêm vào 5 ngày một lần.

Ngoài ra, vắcxin cũng có thể được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C trong tối đa năm ngày và chỉ trong 2 giờ với nhiệt độ trong phòng.

[Đức, Columbia thông báo kế hoạch tiêm vắc xin ngừa COVID-19]

Liên quan tới biến thể của virus SARS-CoV-2 ở Anh, Văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 22/12 đã kêu gọi các nước thành viên tiến hành cuộc họp giải quyết khủng hoảng liên quan biến thể virus mới.

Cuộc họp trực tuyến theo kế hoạch diễn ra vào sáng 23/12 có sự tham dự của giới chức y tế Anh để cập nhật tình hình dịch bệnh hiện tại.

Hàn Quốc siết chặt biện pháp phòng dịch trước thềm năm mới 2021

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban đối sách phòng dịch trung ương thuộc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 22/12, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết chính phủ sẽ thực thi đối sách đặc biệt, tăng cường phòng dịch vào dịp cuối và đầu năm mới nhằm ngăn chặn sự lây lan mạnh trong cộng đồng của đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt trong mấy ngày qua, Thủ tướng Chung Sye-kyun yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ đối với những người không có phận sự tới những địa điểm có rủi ro cao (liên tiếp phát sinh các ổ lây nhiễm tập thể gần đây) như viện dưỡng lão, bệnh viện tâm thần... đồng thời cấm các cuộc tụ tập riêng tư ngoài mục đích công việc giữa các nhân viên trong bệnh viện.

Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc cũng siết chặt quy tắc phòng dịch đối với các nhà hàng, quán ăn... như cấm đặt bàn trên năm người; các khách sạn, nhà nghỉ chỉ được phép nhận đặt phòng dưới 50% công suất phòng; các rạp chiếu phim trên toàn quốc phải đóng cửa sau 21 giờ thay vì chỉ các rạp tại thủ đô Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon) như hiện nay. Các cơ sở tôn giáo chỉ được tổ chức cầu nguyện theo hình thức trực tuyến (không tiếp xúc).

Dịch vụ đổi tiền tại Sân bay Incheon hoạt động 24/7. (Ảnh: Anh Nguyên/TTXVN)

Thủ tướng Chung Sye-kyun nhấn mạnh thêm rằng "Đối sách phòng dịch đặc biệt lần này được áp dụng từ ngày 24/12 tới ngày 3/1/2021 trên phạm vi toàn quốc và yêu cầu các địa phương không được phép tự ý nới lỏng."

Ông cho biết trong chỉ tính riêng trong ngày 21/12 vừa qua, số mẫu xét nghiệm COVID-19 đã là 110.000 mẫu, trong đó phát hiện được hơn 800 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới. Theo đó, "nếu chúng ta vượt qua được cửa ải quan trọng lần này thì cuộc chiến với COVID-19 kéo dài suốt một năm qua sẽ khép lại." Ông lưu ý thêm rằng "sẽ không để kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và đầu năm mới 2021 châm ngòi làm bùng dịch COVID-19 trên quy mô toàn quốc."

Đề cập đến việc nâng giãn cách xã hội lên cấp độ 3 (mức cảnh báo cao nhất) từ 0 giờ (giờ Hàn Quốc) ngày 24/12, Thủ tướng Chung Sye-kyun cho biết các cơ quan chức năng sẽ tập trung vào việc ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong đời sống thường ngày thay vì chỉ nâng mức giãn cách xã hội về mặt hình thức.

Với mục tiêu như vậy, các cơ quan chức năng Hàn Quốc sẽ có đủ điều kiện để dập tắt được làn sóng lây nhiễm thứ 3 bằng các biện pháp phòng dịch quyết liệt nhất, hơn cả mức giãn cách cấp độ 3.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chung Sye-kyun cũng nhấn mạnh thêm rằng "đối sách phòng dịch của chính phủ rất cần sự tham gia tích cực của người dân" và đề nghị người dân nên "hủy tất cả lịch trình du lịch, gặp gỡ và ở yên trong nhà dịp lễ Giáng sinh cũng như thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới."

Iraq siết chặt kiểm soát do lo ngại biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Chính phủ Iraq ngày 22/12 đã ban hành các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có lệnh cấm đi tới tám quốc gia, nơi xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Theo thông báo của Văn phòng truyền thông Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi, chính phủ nước này đã nhóm họp nhằm đưa ra các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ người dân Iraq trước biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, vốn có đặc tính lây nhiễm nhanh. Theo đó, Iraq quyết định áp dụng lệnh cấm đi tới Anh, Nam Phi, Australia, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Iran, Nhật Bản và bất kỳ quốc gia nào khác mà Bộ Y tế Iraq đưa ra cảnh báo.

Bên cạnh đó, Iraq cũng sẽ cấm người nước ngoài nhập cảnh, trừ công dân Iraq hồi hương, những người sẽ phải cách ly trong vòng 14 ngày cho đến khi được xét nghiệm và xác nhận không mắc COVID-19.

Ngoài ra, chính phủ Iraq quyết định đóng cửa tất cả biên giới trên bộ, song không thông báo lệnh cấm này kéo dài bao lâu. Các trung tâm thương mại, nhà hàng, cơ sở công cộng sẽ đóng cửa trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 24/12 mới.

Trước đó, Bộ Y tế Iraq cho biết quốc gia này đã ký thỏa thuận sơ bộ với Pfizer nhằm cung cấp 1,5 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 vào đầu năm 2021. Tổng thống Iraq Barham Saleh khẳng định quốc gia này đặt mục tiêu cung cấp miễn phí vắcxin cho người dân.

Theo số liệu thống kê mới nhất, Iraq đã ghi nhận tổng cộng hơn 586.000 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có hơn 12.700 ca tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục