Dịch COVID-19 đưa nền kinh tế 'tự do' kiểu Mỹ đến Hàn Quốc

Trước sức ép thu nhập, tình trạng làm ngoài giờ đang diễn ra phổ biến tại Hàn Quốc. Người Hàn Quốc thường không nhận công việc thứ hai nhiều như người Mỹ hay người Canada.
Dịch COVID-19 đưa nền kinh tế 'tự do' kiểu Mỹ đến Hàn Quốc ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại Seoul vào mùa Đông năm ngoái, Kim Chan-su, một nghệ sỹ xiếc kiêm kịch câm đã bắt đầu cuộc sống “hai công việc” của mình là người chuyển phát nhanh và nghệ sỹ diễn xiếc.

Khi không phải tung hứng trên sân khấu, ông Kim sẽ làm thêm công việc giao đồ ăn và thức uống, từ gà rán đến càphê trên chiếc xe thể thao đa dạng (SUV) Hyundai Tucson của mình, bắt đầu từ trưa cho đến quá nửa đêm.

Ngay cả khi “chạy ngược xuôi” với hai công việc này, ông Kim Chan-su, với 24 năm hoạt động tại các chương trình diễn xiếc, vẫn kiếm được “ít hơn rất nhiều” so với mức từng kiếm được từ một nghề duy nhất trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

[Kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng -1,2% trong năm 2020]

Trong tháng cao điểm, ông Kim kiếm được 4,5 triệu won (4.100 USD) từ việc giao hàng.

Thậm chí, con số này đã giảm một nửa trong tháng 10/2020 do sự cạnh tranh trong ngành dịch vụ giao hàng ngày càng tăng, còn các buổi biểu diễn xiếc chưa được hoạt động bình thường trở lại hoàn toàn.

Những người như ông Kim Chan-su đang làm nổi bật tình trạng về một nhóm người không được coi là thất nghiệp, nhưng thu nhập giảm sút, thường làm việc ít giờ hơn hoặc chuyển từ trạng thái làm việc toàn thời gian sang bán thời gian.

Những người này cũng không được tính trong tỷ lệ thất nghiệp 4,2% trong dữ liệu mới nhất của Hàn Quốc.

Trong năm 2020, tỷ lệ lao động có việc làm nhưng muốn kiếm thêm do thu nhập tăng không đáng kể tại Hàn Quốc.

Trong khoảng thời gian từ tháng 4-6/2020, con số này đã tăng lên mức kỷ lục 1,2 triệu người, tăng 55% so với cùng giai đoạn năm trước đó và cao hơn gấp hai lần so với năm 2015, trước khi giảm nhẹ xuống 1,1 triệu người trong quý 3/2020.

Yi Junga, một nhà nghiên cứu tại Dịch vụ Thông tin Việc làm Hàn Quốc, cho biết tình hình trên cho thấy tình trạng người lao động Hàn Quốc nhận thấy thu nhập của họ là không đủ.

Có khá nhiều người buộc phải chuyển từ công việc toàn thời gian sang bán thời gian.

Trước sức ép thu nhập, tình trạng làm ngoài giờ đang diễn ra phổ biến tại Hàn Quốc.

Người Hàn Quốc thường không nhận công việc thứ hai nhiều như người Mỹ hay người Canada.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy mối quan tâm đối với công việc “theo yêu cầu,” việc tự do hoặc điều hành một hoạt động kinh doanh khác ngoài công việc toàn thời gian đang ngày càng tăng.

Theo kết quả cuộc khảo sát ý kiến 642 người làm công ăn lương của cổng thông tin việc làm JobKorea trong tháng trước, có 84% người phản hồi cho biết họ quan tâm đến công việc ngoài giờ.

Một cuộc thăm dò ý kiến khác với sự tham gia của 1.599 người trên cổng thông tin việc làm trực tuyến Incruit cho thấy 13,5% người được hỏi đã có một công việc phụ, trong khi 35,7% khác nói rằng họ đang cân nhắc một công việc.

Giới trẻ Hàn Quốc đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ “N-job” để đề cập đến việc một người làm nhiều công việc.

Mặc dù sự quan tâm lớn, song việc tìm kiếm một công việc thứ hai cũng khá khó khăn giữa bối cảnh đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục