Dịch COVID-19: Doanh nghiệp sản xuất tôn thép có còn sức nóng?

Theo giới phân tích, tăng sản lượng xuất khẩu cộng với hưởng lợi từ chủ trương giải ngân mạnh vốn đầu tư công sẽ là giải pháp hỗ trợi các doanh nghiệp thép để bù đắp cho nhu cầu.
Dịch COVID-19: Doanh nghiệp sản xuất tôn thép có còn sức nóng? ảnh 1Sản xuất thép cuộn xuất khẩu tại Công ty TNHH Thép JFE Shoji Hải Phòng, vốn đầu tư Nhật Bản, tại Khu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Dù lượng tiêu thụ thép xây dựng “về đáy” trong vòng 5 năm, song lượng xuất khẩu thép các loại không ngừng tăng nóng trong thời gian qua.

Theo giới phân tích, tăng sản lượng xuất khẩu cộng với hưởng lợi từ chủ trương giải ngân mạnh vốn đầu tư công sẽ là một sự hỗ trợ lớn trong những tháng cuối năm đối với các doanh nghiệp thép để bù đắp cho nhu cầu suy yếu tại thị trường nội địa do khó khăn từ dịch COVID-19.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, riêng tháng Tám vừa qua, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,53 triệu tấn, với trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 33,8% về lượng và 35,2% về trị giá so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, trị giá xuất khẩu của mặt hàng này cao gấp 2,5 lần.

Đây là tháng có trị giá xuất khẩu sắt thép các loại cao nhất từ trước đến nay và là tháng thứ hai liên tiếp vượt 1 tỷ USD. Lũy kế 8 tháng qua, cả nước xuất khẩu 8,54 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá đạt gần 7,1 tỷ USD; tăng 43,4% về lượng và 127% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Giới phân tích cho rằng việc xuất khẩu thép tăng cao nhằm đáp ứng nhu cầu thép không ngừng gia tăng do sự bùng nổ của ngành công nghiệp ôtô và sự hồi phục sau đại dịch của ngành xây dựng. Trong khi đó, nguồn thép tại quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới là Trung Quốc đang siết chặt thực hiện các giải pháp xanh môi trường. Còn hầu hết các trung tâm sản xuất thép lớn của thế giới như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tiếp tục tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế xuất khẩu.

Riêng tại Trung Quốc, dù sản lượng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường này ghi nhận giảm trong thời gian qua nhưng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chứng khoán Maybank Kim Eng nhận định nước này sẽ sớm tăng nhập khẩu thép trở lại.

Bởi, chỉ có nhập khẩu thép mới giúp Trung Quốc vừa đáp ứng mục tiêu đầu tư hạ tầng cơ sở nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các mục tiêu dài hạn đến năm 2035, vừa hạn chế sản xuất thép bằng công nghệ lò thổi với chính sách giảm phát thải carbon ban hành trước đó. Hơn nữa, Trung Quốc vừa quyết định cắt bỏ các khoản hoàn thuế xuất khẩu một số sản phẩm thép và cân nhắc tăng thuế xuất khẩu thép từ nước này.

Trước động thái trên, các chuyên gia phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC đặt kỳ vọng lớn vào sự tăng trưởng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) với lợi thế sản xuất thép bằng công nghệ lò thổi, luyện thép từ quặng sắt, tương đồng với công nghệ sản xuất thép thô tại Trung Quốc hiện nay. Hòa Phát sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu phôi thép, thép xây dựng thành phẩm sang Trung Quốc để bù đắp cho nhu cầu suy yếu tại thị trường nội địa.

[VCCI: Tăng thuế xuất khẩu phôi thép sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất] 

Cùng với đó, Hòa Phát đang được hưởng lợi “song trùng” khi xuất khẩu sang nhiều thị trường ngoài Trung Quốc khi giá quặng sắt nguyên liệu (chiếm 35% tổng chi phí sản xuất) đang giảm mạnh và giá thép thành phẩm đầu ra neo ở mức cao trong thời gian qua.

Ghi nhận giá cả nguyên liệu thế giới tại thời điểm ngày 20/9, giá quặng sắt trên thị trường Singapore mất gần 60% giá trị so với mức kỷ lục vào tháng 5 và lần đầu tiên dưới ba con số trong hơn một năm. Ngược lại, giá thép tại Mỹ liên tục ghi nhận kỷ lục, với giá cán nóng hiện khoảng 2.100 USD/tấn và thép cán nguội lên 2.400 USD/tấn. Tập đoàn Nippon tại Nhật Bản mới đây đã tăng giá thép thêm 182 USD/tấn, là mức tăng lớn nhất trong 10 năm qua. Các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu hay Ấn Độ cũng được dự báo sớm tăng giá thép trong thời gian tới.

Bên cạnh sức nóng từ thép, tôn mạ đang dần mở rộng tỷ trọng trong cơ cấu xuất khẩu của các doanh nghiệp thép. Theo số liệu cập nhật gần nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng này trên tổng sản lượng tiêu thụ tiếp tục nâng từ 62% trong tháng Sáu lên 70% trong tháng Bảy vừa qua, vượt qua mức đỉnh hồi tháng Hai năm nay. Đáng chú ý là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) và Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) chiếm 60% thị phần tôn mạ.

Tháng Tám vừa qua, Hoa Sen ghi nhận sản lượng bán 150.781 tấn tôn mạ, riêng xuất khẩu là 123.080 tấn, chiếm tỷ trọng 81%, duy trì so với tháng trước. Thép Nam Kim cũng ghi nhận bán 86.299 tấn tôn mạ, tăng 14,3% so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu 80.610 tấn, tăng 30% và tỷ trọng đóng góp tăng lên 93%. Cả 2 doanh nghiệp đều có đơn hàng xuất khẩu để hoạt động hết công suất đến hết tháng 11, tức là sang quý 1 của niên độ tài chính 2021-2022.

Về thị trường xuất khẩu, Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu sắt thép có giá trị tăng vượt trội của Việt Nam. Hiệp hội Thép thế giới (Worldsteel) dự báo, nhu cầu thép tại hai thị trường này tăng hơn 10% trong năm 2021 và còn dư địa tiếp tục tăng trong năm 2022. Đặc biệt, EU - thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sau khi chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do EVFTA đang áp hạn ngạch nhập khẩu thép đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc; từ đó, tạo ra nhu cầu lớn đối với tôn mạ Việt Nam.

Bên cạnh đó, với việc giá thép trong nước đang duy trì ở mức thấp hơn so với thế giới giúp gia tăng biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ như Hoa Sen và Thép Nam Kim.

Tuy nhiên, theo phân tích của các công ty chứng khoán, trong những tháng cuối năm, doanh nghiệp thép cũng gặp những rủi ro. Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ khi Việt Nam đang phải chịu thuế chống bán phá giá tại một số thị trường như Malaysia và có thể tiếp tục là Indonesia. Đơn cử như Thép Nam Kim vào tháng Bảy vừa qua đã bị Malaysia chính thức áp thuế chống bán phá giá với tỷ lệ 34%. Việc này có thể ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cuối năm.

Dịch COVID-19: Doanh nghiệp sản xuất tôn thép có còn sức nóng? ảnh 2Sản xuất thép. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Về phía Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhấn mạnh tới rủi ro chênh lệch giá đối với doanh nghiệp tập trung xuất khẩu tôn mạ. Do chênh lệch giữa nguyên liệu đầu vào là thép cuộn cán HRC và đầu ra là tôn mạ nhỏ hơn nhiều so với chênh lệch giá giữa quặng sắt và thép thành phẩm trong cùng ngành. Điều này sẽ khiến biên lợi nhuận giảm khi doanh nghiệp sử dụng hết HRC tồn kho có chi phí thấp.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ, nguồn vốn đầu tư công khoảng 250.000 tỷ đồng còn lại của năm 2021 là nguồn lực rất quan trọng trong lúc dịch bệnh tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và đời sống nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu, phải xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm, thúc đẩy giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất có thể, vừa bảo đảm tiến độ, vừa nâng cao chất lượng, siết chặt kỷ luật kỷ cương, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đây cũng được xem là cơ hội cho nhóm ngành thép bứt tốc trong những tháng cuối năm.

Trước đó, tổng kết 9 tháng niên độ tài chính 2020-2021 từ 1/10/2020 đến 30/6/2021, Hoa Sen đạt doanh thu gần 33.000 tỷ đồng, hoàn thành 99,8% kế hoạch năm; lợi nhuận đạt 3.371 tỷ đồng, tăng 381% so với cùng kỳ và hoàn thành hơn 2,2 lần kế hoạch cả năm; trong đó, giá tôn thép hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp này.

Với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, số liệu mới nhất lũy kế 6 tháng năm 2021, doanh thu của công ty đạt gần 66.900 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý 2 năm nay, Hòa Phát đạt doanh thu 35.400 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước đó; lợi nhuận sau thuế đạt 9.745 tỷ đồng, tăng 3,5 lần.

Thời gian tới, bên cạnh xuất khẩu thép, Hòa Phát sẽ tăng dần tỷ trọng xuất khẩu đối với sản phẩm tôn mạ kẽm và mạ lạnh, đảm bảo đáp ứng đa dạng các yêu cầu về chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như mở rộng cơ hội tiếp cận nhiều thị trường xuất khẩu khác trên thế giới.

Cùng thời gian này, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu đạt 11.862,4 tỷ đồng, tăng trưởng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, doanh thu xuất khẩu là 6.796 tỷ đồng, tăng gấp gần 6 lần. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.166,2 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo thuyết minh của doanh nghiệp, một trong những yếu tố gia tăng doanh thu cho công ty đến từ các kênh xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục