Dịch COVID-19: Điện lực miền Bắc tìm cách hoàn thành các công trình

Tính đến thời điểm đầu tháng 8, EVNNPC có 171 dự án lưới điện 110 kV đang triển khai chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; trong đó, giai đoạn chuẩn bị đầu tư có 93 dự án, giai đoạn thực hiện đầu tư 78 dự án.
Thi công đường dây trên đường 786, thị trấn Bến Cầu, huyện biên giới Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)
Thi công đường dây trên đường 786, thị trấn Bến Cầu, huyện biên giới Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Xác định dịch COVID-19 sẽ còn diễn biến phức tạp và kéo dài, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đang tìm cách thích nghi với điều kiện bình thường mới, để vừa sống chung an toàn với dịch bệnh, vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ cấp điện an toàn, ổn định cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng.

Nguy cơ chậm tiến độ

Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 diễn phức tạp với số ca nhiễm liên tục tăng cao và bùng phát mạnh trong cộng đồng khiến nhiều địa phương trên địa bàn EVNNPC quản lý phải thực hiện lệnh phong tỏa, giãn cách như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Đặc biệt, việc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17/CT-Ủy ban Nhân dân về giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch COVID-19 từ giữa tháng Bảy đến nay đã khiến các chỉ đạo điều hành sản xuất kinh doanh tại trụ sở Tổng công ty gặp nhiều thách thức, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh; trong đó, có đầu tư xây dựng các công trình điện 110 kV, vẫn được coi là xương sống của lưới điện miền Bắc.

Tính đến thời điểm đầu tháng 8/2021, EVNNPC có 171 dự án lưới điện 110 kV đang triển khai chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; trong đó, giai đoạn chuẩn bị đầu tư có 93 dự án, giai đoạn thực hiện đầu tư có 78 dự án.

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới mọi hoạt động của lĩnh vực đầu tư xây dựng, từ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi đến đo vẽ, trích lục bản đồ, đền bù giải phóng mặt bằng và thi công, đóng điện.

Ông Nguyễn Sông Thao, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Lưới điện (BA1), cho biết hiện đơn vị đang thực hiện quản lý thi công 34 dự án tại 18 địa phương, tập trung ở địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Điện Biên…

Tuy nhiên hiện nay, các địa phương này đều tăng cường áp dụng biện pháp phòng chống dịch và kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng, do đó việc điều chuyển vật tư thiết bị và nhân lực của nhà thầu xây lắp gặp nhiều khó khăn, phát sinh chi phí lớn như chi phí xét nghiệm, trong khi vận tải bị hạn chế tới mức tối đa nên việc thi công tại công trường hầu như phải dừng lại.

Không riêng BA1, các công trình do Ban Quản lý Phát triển Điện lực (BA2) và Ban Quản lý Xây dựng điện miền Bắc (BA3) quản lý cũng gặp tình cảnh tương tự. Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình điện, ông Đoàn Văn Sâm, Phó Giám đốc BA2 cho biết, BA2 đang thực hiện quản lý thi công 33 dự án trên địa bàn 16 tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, giải phóng mặt bằng ở hầu hết các địa phương đều triển khai rất chậm do người dân có tâm lý ngại tiếp xúc. Chính quyền xã, huyện và đơn vị quản lý giải phóng mặt bằng của các địa phương cũng hạn chế làm việc do ưu tiên phòng chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, từ khi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng như Ủy ban Nhân dân các tỉnh như Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng… đồng loạt có các văn bản, chỉ thị yêu cầu giãn cách xã hội thì giải phóng mặt bằng lại càng thách thức hơn nữa.

“Ban đang gặp rất nhiều khó khăn và lo ngại đối với các dự án trọng điểm của EVN như dự án Đường dây 110kV 4 mạch sau trạm biến áp 500kV Phố Nối; xuất tuyến 110kV sau trạm biến áp 220kV Bá Thiện … Nếu các tỉnh tiếp tục áp dụng những biện pháp mạnh như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành của tất cả các dự án mà Ban đang triển khai,” ông Đoàn Văn Sâm nói.

Cũng theo lãnh đạo BA2, nghiệm thu, bàn giao vật tư thiết bị cũng gặp vướng mắc vì dịch COVID-19. Hiện nay, vật tư thiết bị của một số dự án có kế hoạch đóng điện trong quý 3, 4/2021 đã được tập kết tại kho của các nhà thầu.

Tuy nhiên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thí nghiệm điện miền Bắc không thể thực hiện việc lấy mẫu thí nghiệm do phải di chuyển ra ngoài thành phố Hà Nội. Vì vậy, không đủ điều kiện để tổ chức nghiệm thu, bàn giao cho nhà thầu thi công lắp đặt.

[EVN đặt mục tiêu số hóa 100% thiết bị lưới điện truyền tải vào 2022]

Đơn cử như dự án lắp máy biến áp T2 Quảng Hà, đường dây và trạm 110 kV Vân Đồn; cải tạo đường dây 110 kV từ trạm 220 kV Phú Thọ-Bãi Bằng-Việt Trì; cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ…

Hơn nữa, các đơn vị vận tải hiện nay không nhận vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, bởi thực tế khi đến các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng… vẫn phải thực hiện cách ly do vật tư, thiết bị điện không thuộc danh mục hàng hóa thiết yếu.

Tăng cường ứng dụng công nghệ

Xác định dịch COVID-19 sẽ còn diễn biến phức tạp và tiếp tục kéo dài, lãnh đạo EVNNPC đã tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch để bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên; đồng thời, đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ những dự án tại khu vực giãn cách.

Cụ thể, đối với dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, Tổng công ty yêu cầu các đơn vị tận dụng tối đa các yếu tố thuận lợi để thực hiện tư vấn, lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi... các dự án đúng tiến độ.

Dịch COVID-19: Điện lực miền Bắc tìm cách hoàn thành các công trình ảnh 1Hoàn tất các khâu vệ sinh, kiểm tra và đóng điện trạm biến áp 110kV Bố Trạch (Quảng Bình). (Ảnh: TTXVN)

Đối với công trình đủ điều kiện đưa máy vào thi công, các Ban quản lý dự án đôn đốc nhà thầu đúc móng nổi tại các bãi tập trung cách xa khu dân cư.

Khi đúc móng, tư vấn giám sát thực hiện cập nhật và chụp ảnh theo yêu cầu để cập nhật lên phần mềm quản lý đầu tư xây dựng. Sau khi hết thời hạn giãn cách, đơn vị thi công lập tức sử dụng máy thi công đào và thả móng, dựng cột, lắp xà, kéo dây.

Với những địa bàn không thể sử dụng máy thi công, nhà thầu thuê nhân công thủ công tại địa phương tập kết vật tư vào chân công trình, sẵn sàng cho việc thi công ngay sau khi chính quyền cho phép.

Bên cạnh đó, các ban quản lý dự án tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương, đến từng nhà có đất, tài sản trên đất bị ảnh hưởng bởi dự án để vận động, do không được tổ chức họp dân.

Điều này, nhằm sớm có mặt bằng sạch giao cho đơn vị thi công để có thể triển khai thi công ngay sau khi dừng việc giãn cách. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Điện lực, Trung tâm điều khiển xa, bộ phận kỹ thuật, an toàn để hoàn thiện các phương án cắt điện đấu nối, giảm thiểu thời gian cắt điện, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện.

Ngoài thực hiện các giải pháp trên, EVNNPC còn linh hoạt áp dụng “3 tại chỗ” và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Ông Trần Huy Hoàng, Giám đốc BA3 cho biết, Ban đã yêu cầu cán bộ giám sát thực hiện “3 tại chỗ,” không tiếp xúc với bất kỳ ai ngoài phạm vi công trường đang thi công; đồng thời, yêu cầu đơn vị thi công báo cáo chi tiết các hạng mục thi công trong từng ngày, trên cơ sở đó lên kế hoạch thi công trong các giai đoạn tiếp theo.

Trước đó, cuối năm 2019, Tổng công ty đã khởi động lại và hoàn thành dự án thủy điện Nậm Pay đúng thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Tại Nậm Pay, EVNNPC đã triệt để áp dụng hình thức họp trực tuyến với các chuyên gia Trung Quốc; đồng thời, bố trí cho người lao động ăn, nghỉ tại công trường để đảm bảo phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, EVNNPC tiếp tục ứng dụng công nghệ, sử dụng các phần mềm thông dụng (Zoom, Zalo...) để họp giao ban trực tuyến công tác điều hành của Tổng công ty, điều hành dự án tại công trường; thống nhất với đối tác, nhà thầu, các địa phương hình thức trao đổi trực tuyến để chia sẻ thông tin, giải quyết các vướng mắc trong khâu thi công, lắp đặt thiết bị, đền bù giải phóng mặt bằng... nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục