Dịch COVID-19 đến 8h sáng 4/9: Ấn Độ ghi nhận hơn 84.000 ca mắc mới

Trong một ngày qua, Ấn Độ ghi nhận hơn 84.000 ca mắc mới trong khi số ca mắc mới tại Mỹ và Brazil trong cùng khoảng thời gian dao động ở các mức hơn 44.000 ca.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 22/8/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 4/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 26,456 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 872.498 ca tử vong.

Hơn 18,646 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục và còn hơn 6,938 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 6,33 triệu ca mắc, trong đó có 191.052 ca tử vong. Tiếp theo là Brazil với hơn 4 triệu ca mắc và 124.729 ca tử vong. Đứng thứ 3 thế giới hiện là Ấn Độ với hơn 3,93 triệu ca mắc và hơn 68.569 ca tử vong.

Trong một ngày qua, Ấn Độ ghi nhận hơn 84.000 ca mắc mới trong khi số ca mắc mới tại Mỹ và Brazil trong cùng khoảng thời gian dao động ở các mức hơn 44.000 ca.

[COVID-19: EU khuyến cáo không nên rút ngắn thời gian cách ly 14 ngày]

Bộ Y tế Nga đã công bố các hướng dẫn cập nhật về điều trị COVID-19, theo đó 2 loại thuốc đã bị đưa ra khỏi hướng dẫn này do không cho thấy hiệu quả trong việc điều trị bệnh.

Hướng dẫn cho biết: “Các loại thuốc lopinavir và ritonavir đã bị loại khỏi các khuyến cáo do không cho thấy đủ hiệu quả trong điều trị COVID-19. Hydroxychloroquine vẫn có trong phác đồ điều trị cho bệnh nhân ở thể nhẹ và trung bình."

Bên cạnh đó, một loại thuốc mới của Nga để điều trị chống viêm toàn thân là Levilimab được đưa vào phác đồ điều trị.

Tổng cộng, danh sách các loại thuốc được khuyến cáo để điều trị virus corona gồm 6 tên gọi: favipiravir, hydroxychloroquine, azithromycin (kết hợp với hydroxychloroquine), thuốc interferon-alpha, cũng như remdesivir, umifenovir.

Một quan chức thuộc Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Liên minh châu Âu (EU) hy vọng sẽ nhận được lô hàng 30 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 vào cuối năm nay trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được với hãng dược phẩm của Anh AstraZeneca.

Với 1 liều cho mỗi người, lô hàng đầu tiên có thể cung cấp vắcxin cho 6-7% dân số EU.

Lô hàng đầu tiên này sẽ được phân phối theo tỷ lệ giữa các nước thành viên cho tới khi khối này tiếp nhận toàn bộ 300 triệu liều theo thỏa thuận.

Hợp đồng ký kết giữa tập đoàn AstraZeneca và EC cho phép EU được đảm bảo ít nhất 300 triệu liều vắcxin trị giá 336 triệu euro (397,8 triệu USD) cho tất cả các quốc gia thành viên, cũng như tài trợ cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp ở châu Âu.

EC nhiều lần ủng hộ khuynh hướng tiêm chủng vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 nhằm mang lại sự tiếp cận bình đẳng cho mọi người dân trên thế giới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hy vọng sẽ bảo đảm 230 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 đầu tiên cho châu Phi.

Vắcxin ngừa bệnh COVID-19 của Nga do Viện khoa học nghiên cứu về dịch tễ học và vi trùng học Gamaleya phát triển, tại Moskva ngày 6/8/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cụ thể, ông Richard Mihigo, phụ trách chương trình vắcxin của WHO tại châu Phi, cho biết lô hàng vắcxin đầu tiên này sẽ cung cấp cho 20% dân số châu Phi, ưu tiên những người ở tuyến đầu chống dịch, các nhân viên y tế, sau đó mở rộng tới những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Ông cũng nhấn mạnh bất cứ vắcxin nào đang phát triển cũng cần phải được thử nghiệm tại châu lục này.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) Richard Hatchett cho biết hiện chỉ có 2 trong số các vaccine tiềm năng đang được thử nghiệm tại châu Phi.

Ông nhấn mạnh việc thử nghiệm vắcxin tại "Lục địa Đen" cần đảm bảo rằng các dữ liệu đầy đủ được thu thập dựa trên sự an toàn và mức độ hiệu quả của các vaccine tiềm năng đối với dân số ở châu Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục