Dịch COVID-19 đến 6h sáng 5/5: Số ca mắc vượt ngưỡng 3,6 triệu người

Thế giới ghi nhận tổng cộng 3.639.527 ca nhiễm virus SASR-CoV-2 và 251.719 ca tử vong. Số người bình phục đã lên tới 1.192.842 người.
Trẻ em đeo khẩu trang khi chơi trước cửa nhà ở San Basilio, Rome, Italy ngày 18/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6 giờ ngày 5/5 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 3.639.527 ca nhiễm virus SASR-CoV-2 và 251.719 ca tử vong do COVID-19. Số người bình phục đã lên tới 1.192.842 người.

Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và số ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, lần lượt là 1.210.356 ca và 69.494 ca.

Italy bắt đầu giai đoạn 2 tình trạng khẩn cấp COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, trải qua 55 ngày phong tỏa trên toàn quốc, ngày 4/5, Italy chính thức bước vào giai đoạn 2 tình trạng khẩn cấp dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, giai đoạn sống chung cùng virus SARS-CoV-2.

Trong một thông báo, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết: “Hơn 4 triệu người dân Italy sẽ quay trở lại làm việc, di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng, nhiều công ty, nhà máy sẽ bắt đầu trở lại làm việc và nhiều nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra.”

[Infographics] Những con số nổi bật về dịch COVID-19 trên thế giới

Giai đoạn 2 của tình trạng khẩn cấp là giai đoạn sống chung cùng virus, do đó, Thủ tướng Conte khuyến cáo người dân Italy cần hợp tác nhiều hơn nữa, ý thức công dân và tuân thủ các nguyên tắc trong ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.

Theo sắc lệnh mới, từ ngày 4/5, người dân Italy có thể di chuyển trong cùng khu vực sinh sống, song vẫn không được phép di chuyển tới các vùng khác ngoại trừ lý do khẩn cấp về sức khỏe hoặc công việc. Các công viên được phép mở cửa trở lại. Các đám tang có thể được tổ chức nhưng tối đa 15 người tham dự.

Tất cả các hoạt động tụ tập đông người nơi công cộng và cá nhân đều bị cấm. Yêu cầu đeo khẩu trang là bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng, các cửa hàng, công sở và duy trì khoảng cách an toàn. Sắc lệnh mới cũng nêu rõ trường học sẽ mở cửa trở lại vào tháng Chín tới.

Pháp ghi nhận hơn 25.200 ca tử vong vì COVID-19

Tính đến tối 4/5, số ca tử vong vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Pháp đã lên tới 25.201 người (tăng 306 ca trong 24 giờ), bao gồm 15.826 ca ở bệnh viện (tăng 243 ca) và 9.375 ca ở nhà dưỡng lão và các cơ sở y tế xã hội (tăng 63 ca).

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Paris, Pháp ngày 27/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hiện có 25.548 ca đang phải nằm viện (giảm 267 so với hôm trước), trong đó 3.696 ca phải chăm sóc đặc biệt (giảm 123). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần chăm sóc tích cực đã giảm liên tiếp trong 26 ngày qua.

Phát biểu sau Hội nghị các nhà tài trợ cho sáng kiến toàn cầu về chẩn đoán y tế, Tổng thống Emmanuel Macron ngày 4/5 đã kêu gọi người dân Pháp tiếp cận các biện pháp dỡ bỏ phong tỏa với "sự bình tĩnh, thực tế và thiện chí," trong khi đánh giá rằng đó chỉ là “một giai đoạn” trong cuộc chiến chống lại COVID-19.

Ông khẳng định "hiểu hết tất cả sự lo lắng" đặc biệt là việc mở lại trường học, và cho biết các biện pháp chi tiết sẽ được chính phủ công bố vào ngày 7/5 tới.

Tối cùng ngày, với 81 phiếu thuận, 89 phiếu chống và 174 phiếu trắng. Thượng viện Pháp đã bác bỏ kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa của chính phủ.

Các thượng nghị sỹ đã đề nghị chính phủ xem xét lại nhiều biện pháp đang gây tranh cãi trong dư luận, nhất là bảo đảm an toàn trong việc mở cửa lại trường học, dự kiến sau ngày 11/5 đối với nhà trẻ, mẫu giáo và tiểu học, sau ngày 18/5 đối với trung học cơ sở và sau ngày 2/6 đối với trung học phổ thông.

Kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa của chính phủ đã được Hạ viện thông qua 6 ngày trước đó.

Đức kéo dài lệnh kiểm soát biên giới tới giữa tháng 5/2020

Các nhà lãnh đạo Đức ngày 4/5 đã cảnh báo về hành động quá vội vàng trong việc mở cửa biên giới ở châu Âu trong bối cảnh số liệu mới nhất cho thấy số ca lây nhiễm mới ở châu Âu chưa có dấu hiệu suy giảm rõ rệt.

Nhân viên y tế Đức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Iserlohn, ngày 26/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Horst Seehofer cho biết Berlin đã quyết định kéo dài lệnh kiểm soát biên giới với Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Luxemburg và Đan Mạch cho tới ngày 15/5 và sau đó các hạn chế sẽ dẫn được nới lỏng.

Các quy định liên quan tới các chuyến bay từ Tây Ban Nha và Italy cũng sẽ được tiếp tục gia hạn. Bộ trưởng Seehofer cảnh báo việc mở cửa quá vội vàng biên giới giữa Áo và Đức, nhấn mạnh chừng nào dịch COVID-19 còn hoành hành, Đức sẽ vẫn phải hạn chế kế hoạch đi lại.

Những tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Áo và Cộng hòa Séc muốn nhanh chóng dỡ bỏ lệnh đóng cửa biên giới nhằm cứu vãn ngành du lịch đang gặp khó khăn. Người Đức nằm trong nhóm du khách quan trọng nhất của Áo.

Từ giữa tháng Ba, Đức đã tiến hành kiểm soát chặt chẽ biên giới với 5 nước láng giềng châu Âu nêu trên.

Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, cần tiếp tục duy trì việc đóng cửa biên giới ở châu Âu chừng nào còn cần thiết.

Ông cũng cho rằng trong trường hợp mở cửa biên giới, Chính phủ Đức sẽ phải thực hiện kiểm soát và điều phối, không để những kết quả đạt được trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 bị đổ vỡ.

Ông cũng cho biết chỉ có thể dỡ bỏ cảnh báo đi lại toàn cầu khi những quy định về nhập cảnh và cách ly được nới lỏng.

Việc áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội cũng như đóng cửa biên giới khiến nhiều ngành nghề của Đức thiệt hại nặng nề.

New York sẽ phân phát 7,5 triệu khẩu trang cho người dân

Thị trưởng thành phố New York thuộc bang cùng tên của nước Mỹ, ông Bill de Blasio hôm 4/5 cho biết chính quyền sẽ phân phát 7,5 triệu khẩu trang cho cư dân thành phố này trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Người dân đạp xe và đi bộ tại công viên Trung tâm ở New York, Mỹ ngày 25/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu họp báo, ông Blasio cho hay chính quyền sẽ phân phát 5 triệu khẩu trang 3 lớp và 2,5 triệu khẩu trang vải khác trên toàn thành phố. Các địa điểm phát khẩu trang là cửa hàng tạp hóa, công viên và các điểm bán thực phẩm.

Ngoài ra, thành phố New York cũng sẽ cung cấp 1,9 triệu khẩu trang y tế cho các viện dưỡng lão thuộc 5 quận của thành phố.

Giữa tháng Tư vừa qua, trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Thống đốc bang New York, ông Anthony Cuomo đã ký một sắc lệnh hành pháp yêu cầu tất cả người dân trong bang phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Israel chuẩn bị nới lỏng giãn cách xã hội

Ngày 4/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ ngày 7/5 tới.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tel Aviv, Israel, ngày 17/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Người dân Israel có thể rời khỏi nhà mà không bị giới hạn về khoảng cách, cũng như đi thăm nom người cao tuổi trong gia đình, nhưng vẫn cần duy trì các biện pháp giãn cách xã hội.

Từ ngày 7/5, các chợ và trung tâm thương mại sẽ được mở cửa trở lại.

Lệnh cấm tụ tập đông người cũng được nới lỏng, việc tụ tập khoảng 20 người tại nơi công cộng hay các đám cưới, đám tang có số người tham dự không quá 50 người đều được phép.

Thủ tướng Netanyahu cho biết các trường mẫu giáo sẽ mở cửa trở lại vào ngày 10/5, trong khi các trường phổ thông sẽ hoạt động trở lại vào cuối tháng này, còn sinh viên các trường cao đẳng và đại học sẽ đi học từ giữa tháng Sáu.

Tuy nhiên, các cơ quan hữu quan của Israel sẽ buộc phải xem xét lại việc nới lỏng nếu vẫn có khoảng 100 ca nhiễm mới mỗi ngày hay số ca bệnh nặng vẫn trên 250 người.

Số ca mắc COVID-19 tại Nam Phi vượt quá 7.200 người

Ngày 4/5, Bộ Y tế Nam Phi cho biết nước này ghi nhận thêm 437 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại đây lên 7.220 trường hợp.

Cảnh sát nhắc nhở người dân thực hiện giãn cách xã hội trong khi chờ đợi đến lượt tại một điểm xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Số ca tử vong do COVID-19 tại Nam Phi đã tăng lên 138 trường hợp sau khi ghi nhận thêm 6 ca tử vong so với một ngày trước đó. Tuy nhiên, 2.746 bệnh nhân COVID-19 tại Nam Phi đã được chữa khỏi bệnh.

Cũng trong ngày 4/5, hàng trăm nhân viên y tế ở Nam Phi đã tham gia thử nghiệm vắcxin BCG phòng bệnh lao để xác định xem loại vắcxin được thế giới sử dụng trong 100 năm qua có hiệu quả trong phòng chống SARS-CoV-2 hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục