Dịch COVID-19: Đảm bảo lưu thông hàng hóa đi đôi với an toàn

Để đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa thông suốt trong điều kiện dịch, TP.HCM tăng cường chính sách đảm bảo an toàn, đặc biệt đẩy nhanh tiêm vaccine cho lực lượng sản xuất, vận chuyển.
Người dân Thành phố Hồ Chí Minh xếp hàng mua sắm tại xe buýt bán hàng bình ổn. (Ảnh: TTXVN phát)

Ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị vận chuyển đều rất ủng hộ việc lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có những biện pháp từng bước tháo gỡ khó khăn cho chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn.

Các đơn vị, doanh nghiệp cho rằng, để đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa thông suốt trong điều kiện dịch bệnh cũng cần tăng cường các chính sách đảm bảo an toàn, đặc biệt là quan tâm đến tiêm phòng vaccine COVID-19 cho lực lượng sản xuất, vận chuyển hàng hóa.

Trong số các biện pháp nói trên, đáng chú ý, từ ngày 16/8, đối với khung giờ từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép thêm nhóm đối tượng được hoạt động là cơ sở sản xuất thực phẩm như bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu...

Ngoài ra, nhóm đối tương được lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, gồm: đội ngũ người giao hàng (shipper) có quản lý ứng dụng công nghệ lưu thông, vận chuyển liên quận, huyện, thành phố Thủ Đức và đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như giao nhận, thanh toán không tiếp xúc theo đúng quy định của thành phố.

Còn đối với khung giờ từ 18 giờ ngày trước đến 6 giờ ngày sau, nhân viên hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi được lưu thông nhằm chuẩn bị công tác hàng hóa, vệ sinh và khử khuẩn khu vực kinh doanh. Bên cạnh đó, nhân viên của những đơn vị cung cấp suất ăn cho bếp ăn từ thiện, vận chuyển hàng hóa thiết yếu... cũng được lưu thông trong khung giờ này trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

[Tháo gỡ khâu lưu thông, cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân]

Từ khi chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng những quy định mới này, không chỉ doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị vận chuyển... đã nhanh chóng điều chỉnh hoạt động thương mại phù hợp với tình hình mới, mà người dân thành phố cũng an tâm tuân thủ giãn cách xã hội.

Điển hình, Gojek Việt Nam đã mở rộng phạm vi trên ứng dụng để tạo điều kiện cho đối tác tài xế hoạt động liên quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Hiện nay, người dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn khi đặt thực phẩm qua GoFood và sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu GoSend trên Gojek. Đây là nhu cầu thiết yếu của rất nhiều người dân trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội.

Giao hàng bằng xe hai bánh là một trong các loại hình được hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Đại diện Gojek Việt Nam cho biết nhu cầu thực tế đối với dịch vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu liên quận tăng cao trong thời gian qua.

Gojek ghi nhận chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã lắng nghe và đưa ra những điều chỉnh nhanh chóng, phù hợp và tạo điều kiện cho lực lượng shipper tham gia đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trên địa bàn.

Tương tự, nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ, nền tảng đi chợ online, sàn thương mại điện tử, siêu thi, cửa hàng tiện lợi, đơn vị kinh doanh... cũng đã lần lượt mở lại dịch vụ giao hàng liên quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Cụ thể, người dân Thành phố Hồ Chí Minh có thể sử dụng dịch vụ đi chợ, giao hàng như GrabMart, GrabExpress, NowFresh, Nowship... để giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đối với tất cả khu dân cư trên địa bàn thành phố.

Nếu trước đây, Dalathasfarm chỉ có thể nhận đơn hàng và giao hàng tại một số khu vực có cửa hàng, thì từ nay đã kích hoạt dịch vụ ở hầu hết quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Do đó, khi khách hàng mua sắm rau củ, quả tại kênh bán hàng online này chỉ cần lựa chọn địa điểm và hàng hóa sẽ được giao tận nơi với hình thức thanh toán linh hoạt.

Theo đại diện các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi như Co.opmart, Satra, LOTTE Mart, Big C, MM Mega Martket... việc "cởi trói" cho khâu giao nhận hàng hóa tiêu dùng thiết yếu sẽ góp phần cung ứng lương thực, thực phẩm đến tay người dân tốt hơn.

Hơn thế nữa, nhà bán lẻ có điều kiện thuận lợi để nhận và trả đơn hàng online với thời gian rút ngắn lại và số lượng người dân được phục vụ sẽ tăng lên.

Trên thực tế, nhiều nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhiệm vụ thực hiện bình ổn thị trường, cũng như trợ giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm cho người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Mặt khác, những đơn vị này cũng chịu áp lực "bù lỗ" cho nhiều chi phí phát sinh cũng như chi phí xét nghiệm nhanh và chuyên sâu liên tục cho nhân viên, tài xế, chế độ chính sách cho người lao động mùa dịch, phí shipper giao hàng tăng cao... để phục vụ nhu cầu mua sắm tiết kiệm của người dân trong tình hình trong bối cảnh dịch bệnh dịch bệnh.

Bà Vũ Nguyễn Diễm Thi, Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho hay Saigon Co.op vừa triển khai giảm giá hơn 2.000 sản phẩm nhu yếu, tiếp nối cho hàng loạt hoạt động giữ và giảm giá hàng hóa hỗ trợ người dân trong nhiều tháng qua.

Cụ thể, từ nay đến hết ngày 25/8, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile... áp dụng chương trình giảm giá tập trung nhóm sản phẩm chăm sóc sức khỏe, gồm thủy hải sản, rau củ, trái cây, sữa, sản phẩm vệ sinh cá nhân, diệt khuẩn, hóa phẩm và đồ dùng... với tỷ lệ giảm giá từ 15% đến gần 50%.

Đại diện nhiều đơn vị kinh doanh, bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, tuy đối mặt với nhiều khó khăn nhưng trong tháng cao điểm tiếp theo, nhất là trong bối cảnh giãn cách xã hội, họ vẫn nỗ lực hết sức để giữ và giảm giá hàng hóa; đồng thời, chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhu cầu của người dân thông qua việc tăng cường phối hợp các đoàn thể, chính quyền các địa phương đưa hàng hóa đến hộ dân, khu cách ly, bệnh viện dã chiến hiệu quả hơn.

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Bích Thuận, ở thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay trong thời gian qua, chung cư gia đình đang ở có nhiều lần bị phong tỏa nên bị một số đơn vị kinh doanh đánh giá là vùng đỏ và không nhận đơn hàng giao tận nơi. Vì vậy, gia đình gặp khó khăn trong việc mua sắm những mặt hàng như rau củ, quả, thực phẩm tươi sống.

Cùng quan điểm, anh Văn Duy, ở quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng shipper được vận chuyển hàng hóa tiêu dùng thiết yếu liên quận sẽ mang lại cơ hội mua sắm nhiều hơn cho người dân ở các khu dân cư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Đồng thời, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh kịp thời điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình thực tế đã giúp người dân vượt qua những tác động của dịch bệnh và an tâm hơn.

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị vận chuyển... phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong kiến nghị và đề xuất các giải pháp đảm bảo cho chuỗi cung ứng của thành phố được liền mạch và giúp cho cuộc sống của người dân được an toàn, thuận tiện hơn.

Đặc biệt, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nên xem xét tạo mọi điều kiện cho đối tác tài xế có mong muốn và nguyện vọng tham gia hoạt động trong giai đoạn này được tiêm vaccine COVID-19; hỗ trợ trang bị đầy đủ đặc điểm nhận dạng như giấy thông hành, mã QR code... theo quy định của cơ quan chức năng.

Thống kê trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều thương hiệu bán lẻ như Saigon Co.op, Satra, LOTTE Mart... đã thực hiện tiêm mũi đầu tiên vaccine phòng COVID-19 cho người lao động.

Song song đó, những thương hiệu ứng dụng gọi xe công nghệ, nền tảng đi chợ online, sàn thương mại điện tử như Gojek, Be, Grab, Now., Tiki, Shopee... cũng tích cực phối hợp với cơ quan chức năng, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đối tác tài xế theo tiến độ tiêm chủng tại Thành phố Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục