Tuần báo Al-Ahram của Ai Cập mới đây đăng bài bình luận nhận định rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra (COVID-19) một lần nữa chứng minh sự thiếu hiệu quả của Liên đoàn Arab (AL) trong việc đề ra kế hoạch hành động chung của các nước thành viên.
Theo thông lệ, lãnh đạo 22 nước thành viên AL thường nhóm họp vào cuối tháng 3 hàng năm với chương trình nghị sự hướng tới củng cố sự thống nhất của khối Arập và thúc đẩy hành động chung mới nhất. Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh AL được lên kế hoạch tổ chức tại Algeria hồi tuần trước đã bị hoãn lại, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia Arab đang phải vật lộn đối phó với dịch COVID-19.
Tổng thư ký AL Ahmed Abul-Gheit thông báo hoãn hội nghị thượng đỉnh thường niên do quan ngại những diễn biến trên toàn cầu hiện nay, đặc biệt là các điều kiện y tế nếu tổ chức họp tại thời điểm này.
Trên thực tế, việc AL hủy hội nghị thượng đỉnh, giảm bớt chương trình nghị sự hay bỏ qua một số nội dung gây tranh cãi trước sức ép của các “thành viên nặng ký” không phải là điều xa lạ.
Tuy nhiên, sự thiếu quyết liệt của AL nhằm ứng phó khẩn cấp với đại dịch COVID-19 lại là một động thái gây bất ngờ đối với các nhà quan sát.
Thậm chí, một số người cho rằng trong khi cộng đồng quốc tế “sôi sục” với cuộc chiến chống COVID-19 nhằm hạn chế những tổn thất về người và tác động kinh tế, sự im lặng của AL bị coi là một thất bại chiến lược.
[Ai Cập: Đại Kim tự tháp thắp sáng tình đoàn kết giữa đại dịch COVID-19]
Trong thời gian qua, Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên trách đã đi đầu trong nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 để giúp các chính phủ và tổ chức cứu trợ nhân đạo trụ vững trong trận chiến vượt qua căn bệnh này.
Liên hợp quốc đã triển khai hàng loạt biện pháp như hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương chống lại sự lây lan của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2).
Ngày 25/3 vừa qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã triển khai Kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu chống COVID-19, một nỗ lực chung đầy tham vọng của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế khác và một số tổ chức phi chính phủ để ứng phó với hậu quả nhân đạo trực tiếp và gián tiếp của đại dịch.
Tại châu Âu, bất chấp những rào cản và bất đồng, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đang nỗ lực xây dựng kế hoạch phối hợp toàn diện và phản ứng chung của châu lục này nhằm đối phó với sự bùng phát của dịch COVID-19.
Trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến mới đây, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất về một số biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, vốn được ví như một “kế hoạch Marshall” mới nhằm tái thiết châu Âu, trong đó tập trung hỗ trợ tín dụng để giải quyết các hậu quả tài chính do dịch COVID-19 gây ra.
Tại châu Phi, các nhà lãnh đạo khu vực cũng khẩn trương thảo luận về hậu quả của đại dịch COVID-19 và cách thức ứng phó với khủng hoảng nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Ở cấp độ đa phương, nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi (G20) tuần trước đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm tìm ra giải pháp trên quy mô quốc tế để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.
Các nhà lãnh đạo G20 đã xem xét các công cụ chính sách để giảm thiểu những thiệt hại kinh tế và tác động xã hội, cũng như duy trì ổn định thị trường và phục hồi tăng trưởng.
Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới đã huy động mọi nỗ lực để đối phó với dịch bệnh, cho thấy sự liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia với nhau.
Tuy nhiên, AL lại không cho thấy sự đồng thuận rộng rãi về chủ đề này giữa 22 nước thành viên, nhất là trong công tác phối hợp giữa các quốc gia Arab dễ bị tổn thương nhất.
Khi các dấu hiệu cảnh báo về sự lây lan của dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu tháng 2/2020, đã xuất hiện những nghi vấn về vai trò của AL trong thời kỳ khủng hoảng và khả năng liên kết các nước thành viên để đương đầu với đại dịch.
Cuối tháng 2/2020, gần 3 tháng sau khi các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được ghi nhận ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, Bộ trưởng Y tế khối các nước Arab đã nhóm họp tại thủ đô Cairo (Ai Cập), nơi đặt trụ sở AL, để thảo luận phương án xử lý vấn đề vốn đã bắt đầu lan rộng ở cấp độ quốc tế.
Tuy nhiên, thông cáo cuối cùng sau hội nghị cho biết các bộ trưởng kêu gọi duy trì mối liên hệ giữa các nước Arab, trao đổi thông tin và các kế hoạch phòng ngừa để ứng phó với dịch bệnh, đồng thời lưu ý tới đề xuất của Saudi Arabia nhằm giải quyết các vấn đề khẩn cấp và thảm họa.
Một điểm đáng chú ý là thông cáo này không đưa ra được những thông tin cụ thể, thiếu các kế hoạch hữu hình có tính chất hợp tác để đối phó với dịch COVID-19, vốn đã được WHO tuyên bố là đại dịch toàn cầu.
Trong bối cảnh các trường hợp mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng, các vấn đề trong hệ thống y tế công cộng ở nhiều nước Arab và những hậu quả của đại dịch lẽ ra phải là một chủ đề quan trọng để AL nhìn lại bản thân.
Theo Văn phòng khu vực Trung Đông của WHO, 2/3 khu vực này hiện bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi dịch COVID-19, trong bối cảnh các hệ thống y tế trở nên quá mong manh để có thể nhanh chóng đối phó với chủng virus chết người này.
Cũng không có thông tin nào cho thấy các quốc gia Arab giàu dầu mỏ ở vùng Vịnh sẽ sẵn sàng giúp đỡ các quốc gia Arab khác có hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém hơn để xử lý các “ổ dịch.”
Theo một số báo cáo, hệ thống chăm sóc y tế ở nhiều nước Arab vốn đã trong tình trạng bị căng trải, nguồn tài chính và nguồn lực hạn chế không đủ để cung cấp giường bệnh, các đơn vị chăm sóc đặc biệt và vật tư y tế cần thiết để chống lại dịch COVID-19.
Sự sụp đổ tiềm tàng của các hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là ở các quốc gia chìm trong xung đột ở khu vực, không chỉ có tác động mạnh mẽ đến sức khỏe của người dân, mà còn có thể đẩy các quốc gia liên quan vào những cuộc khủng hoảng dây chuyền.
Đại dịch COVID-19 phá vỡ nền kinh tế nhiều quốc gia trên thế giới, và tất nhiên các nước Arab cũng không tránh khỏi tác động tàn phá của dịch bệnh, đặc biệt là nguy cơ suy thoái kinh tế.
Sự gián đoạn hoạt động kinh tế sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho các quốc gia sản xuất dầu mỏ, đặc biệt là những nước đang gặp khó khăn về kinh tế, bất ổn chính trị và chìm trong xung đột.
Vì vậy, để tránh những biến động kinh tế do dịch COVID-19 gây ra, các quốc gia Arab giàu có cần phải "giang tay giúp đỡ" các nước Arab khác có nền kinh tế yếu hơn, cho dù bản thân họ cũng đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng trong nước.
Các quan chức AL từ lâu có xu hướng đổ lỗi thất bại của tổ chức cho các quốc gia thành viên, thông qua những cáo buộc gây chia rẽ. Bên cạnh đó, một số thành viên chủ chốt của AL thường áp đặt những quyết định của mình trong nhóm và thậm chí phớt lờ cơ chế hoạt động của khối.
Bên cạnh đó, AL thường xuyên bị chỉ trích là quá quan liêu và hoạt động không hiệu quả, cũng như thất bại trong nỗ lực dẫn dắt và đưa ra các sáng kiến táo bạo để giải quyết các thách thức hiện tại.
Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi rõ rệt cách thức hoạt động chính trị và nó có khả năng định hình lại các tổ chức khu vực và quốc tế cũng như vai trò lãnh đạo của các tổ chức này và hành động tập thể.
Những tác động địa chính trị dài hạn của đại dịch này sẽ thể hiện rõ trong khối các nước Arab, vốn đã phải đối mặt với quá nhiều vấn đề, từ xung đột kéo dài, căng thẳng giáo phái, khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị.
Phản ứng của AL đối với những thách thức của dịch COVID-19 cho đến nay đã phơi bày sự thiếu hiệu quả và những khác biệt còn tồn tại trong nội bộ khối các nước Arab./.