Sau thất bại với vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên (vaccine CVnCoV), công ty công nghệ sinh học CureVac có trụ sở tại Tübingen của Đức đang tìm lại sự lạc quan trên thị trường chứng khoán với dữ liệu mới về vaccine thế hệ thứ hai, với sự hợp tác bào chế cùng công ty dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh.
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn thông báo của CureVac ngày 16/8 cho biết, ứng cử viên vaccine thế hệ thứ hai có tên gọi CV2CoV đã cho thấy phản ứng miễn dịch và hiệu quả bảo vệ tốt hơn trong các thử nghiệm tiền lâm sàng với khỉ.
Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy vaccine thế hệ mới đạt khả năng trung hòa kháng thể mạnh hơn đối với các biến thể virus nghiên cứu (gồm cả biển thể Delta, Beta hay Lambda) so với thế hệ đầu tiên.
Dự kiến, nghiên cứu lâm sàng đầu tiên với các tình nguyện viên sẽ bắt đầu vào quý 4 năm nay. Ngay sau thông tin trên, giá cổ phiếu của công ty trên sàn giao dịch công nghệ Mỹ Nasdaq tăng khoảng 10%.
Đối với nhà sản xuất CureVac, kết quả trên là thông tin tốt lành sau những thất bại với vaccine đầu tiên CVnCoV sử dụng công nghệ mRNA mà CureVac tự phát triển, khi hiệu quả kháng thể trung bình mọi lứa tuổi chỉ có 48%.
[Các biến thể Colombia và Lambda đang được giới khoa học theo dõi chặt]
Giám đốc điều hành CureVac, ông Franz-Werner Haas, cho biết công ty vẫn mong muốn Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chấp thuận sử dụng đối với vaccine thế hệ đầu tiên, trong đó độ tuổi có hiệu quả tốt hơn là nhóm từ 18-60 tuổi (hiệu quả 53%).
Hiện công ty đang trình EMA dữ liệu lâm sàng toàn diện hơn để làm cơ sở phê chuẩn vaccine này.
Các đối thủ cạnh tranh như BioNTech/Pfizer và Moderna (cùng bào chế vaccine với công nghệ mRNA) đã nhanh tay hơn và đã cho ra các vaccine đạt được hiệu quả bảo vệ tốt hơn đáng kể.
Trong 6 tháng đầu năm, CureVac thua lỗ khoảng 264 triệu euro, chủ yếu do chi phí nghiên cứu cao.
Theo báo cáo sơ bộ của CureVac, công ty đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhanh chóng từ một công ty công nghệ sinh học theo định hướng khoa học thành một công ty sinh học thương mại./.