Dịch COVID-19 có nguy cơ làm gia tăng số ca nhiễm HIV/AIDS

Đại dịch COVID-19 có thể dẫn đến khoảng 123.000-293.000 ca nhiễm mới virus HIV và khoảng 69.000-148.000 ca tử vong liên quan đến AIDS trong giai đoạn 2020-2022.
Dịch COVID-19 có nguy cơ làm gia tăng số ca nhiễm HIV/AIDS ảnh 1Lấy mẫu máu để xét nghiệm HIV/AIDS tại một cơ sở y tế tại Zambia. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhân ngày Ngày Thế giới phòng chống AIDS (ngày 1/12), báo cáo mới nhất của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cảnh báo đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể dẫn đến khoảng 123.000-293.000 ca nhiễm mới virus HIV và khoảng 69.000-148.000 ca tử vong liên quan đến AIDS trong giai đoạn 2020-2022.

Trong báo cáo ngày 26/11 với tiêu đề "Đối phó với các đại dịch bằng cách đặt con người làm trung tâm," UNAIDS cảnh báo cuộc chiến chống HIV/AIDS trên toàn cầu đã bị chệch hướng trước cả khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, thế giới đã vạch ra 3 mục tiêu bao gồm: Đến năm 2020, 90% người nhiễm HIV tự nhận thức được tình trạng mắc bệnh, 90% người nhiễm HIV biết rõ bệnh tình được điều trị và 90% người điều trị HIV có tải lượng virus được ức chế.

Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 đã khiến cuộc chiến chống HIV/AIDS bị chậm lại.

[Vượt qua cuộc khủng hoảng "một khoảnh khắc, hai dịch bệnh"]

Để đưa thế giới quay lại mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, một phần trong Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), UNAIDS đã kêu gọi các nước đầu tư nhiều hơn vào công tác ứng phó với đại dịch toàn cầu và đặt ra nhiều mục tiêu lớn, tham vọng và khả thi trong cuộc chiến chống HIV/AIDS.

Ngày 26/11, Giám đốc điều hành UNAIDS Winnie Byanyima nhấn mạnh việc thiếu đầu tư hiệu quả vào các biện pháp ứng phó HIV toàn diện, dựa trên quyền lợi và lấy con người làm trung tâm đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng.

Do đó, để không bị chệch hướng trong cuộc chiến chống HIV/AIDS trên toàn cầu, thế giới phải đặt con người làm trọng tâm và giải quyết tình trạng bất bình đẳng đang khiến dịch bệnh lan rộng.

UNAIDS đã đề xuất hàng loạt mục tiêu mới đến năm 2025. Nếu đạt được, kế hoạch này sẽ giúp 95% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị HIV được chăm sóc sức khỏe sinh sản; 95% phụ nữ mang thai và cho con bú bị HIV có tải lượng virus được ức chế; 95% trẻ em bị phơi nhiễm HIV được xét nghiệm và 95% người có nguy cơ lây nhiễm HIV sử dụng các phương án phòng ngừa phù hợp và hiệu quả.

Danh sách này cũng bao gồm các mục tiêu tham vọng về chống phân biệt đối xử, như dưới 10% số người nhiễm HIV phải chịu định kiến và phân biệt đối xử, chưa tới 10% người nhiễm HIV phải đối mặt với bạo lực và bất bình đẳng.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Giám đốc UNAIDS tiếp tục kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu và thế giới cần rút ra bài học từ sai lầm trong việc ứng phó HIV/AIDS.

Bà Byanyima nhận định thế giới chỉ có thể vượt qua các đại dịch bằng cách đoàn kết, cùng nhau gánh vác trách nhiệm chung và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo số liệu của UNAIDS, trên toàn cầu, hiện có 38 triệu người sống chung với HIV, trong đó hơn 12 triệu người đang chờ được điều trị.

Cùng ngày, Tổ chức Sức khỏe toàn cầu UNITAID đã công bố thông tin về một thuốc điều trị HIV công thức mới dành riêng cho trẻ em có giá thành thấp giúp giảm chi phí điều trị căn bệnh này tới 75% mỗi năm. Đây là thông tin đáng mừng đối với 1,7 triệu trẻ em đang sống cùng virus chết người này.

Theo UNITAID, công thức mới của thuốc điều trị HIV dolutegravir (DTG) có vị dâu tây này sẽ có giá 120 USD/năm/trẻ em, thay vì 480 USD/năm/trẻ em như mức giá hiện nay. Hai hãng dược phẩm Viatris và Macleods đã thống nhất mức giá trên.

Công thức mới lần đầu tiên được phát triển dành riêng cho trẻ và ban đầu sẽ được phân phối tại 6 nước châu Phi trong nửa đầu năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục