Dịch COVID-19: Cảnh báo diễn biến đáng lo ngại ở 7 nước EU

Những ngày qua, Tây Ban Nha, Romania, Bulgaria, Croatia, Hungary, Cộng hòa Séc và Malta ghi nhận số ca nhập viện cũng như số ca mắc COVID-19 thể nặng gia tăng.
Dịch COVID-19: Cảnh báo diễn biến đáng lo ngại ở 7 nước EU ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Basque, Tây Ban Nha, ngày 15/8/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 24/9, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến đáng lo ngại ở 7 nước trong Liên minh châu Âu (EU).

Trong báo cáo đánh giá mới nhất, ECDC cho biết 7 nước này gồm Tây Ban Nha, Romania, Bulgaria, Croatia, Hungary, Cộng hòa Séc và Malta ghi nhận số ca nhập viện cũng như số ca mắc COVID-19 thể nặng gia tăng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong cao đã được ghi nhận do có nhiều bệnh nhân là người cao tuổi.

Theo ECDC, 13 nước khác trong EU có tỷ lệ lây nhiễm gia tăng chủ yếu ở người trẻ tuổi hơn, vốn là đối tượng ít có nguy cơ tiến triển thành bệnh nặng.

Trong khi đó, nhóm nước thứ ba được cho là ổn định, tức là nhìn chung có nguy cơ lây nhiễm thấp và trung bình cho những đối tượng dễ bị lây nhiễm.

[Số ca mắc COVID-19 toàn cầu đã vượt mốc 32 triệu người]

ECDC cho biết mức độ dễ lây nhiễm của dân số EU nói chung vẫn cao khi các số liệu trong các cuộc nghiên cứu cho thấy mức độ miễn dịch trong dân số là chưa tới 15% ở phần lớn các khu vực trong EU, Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) và ở Anh.

Cùng ngày, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đánh giá tình hình dịch bệnh ở châu Âu đang trở nên xấu đi đồng thời bày tỏ lo ngại trước những dấu hiệu cho thấy số ca nhiễm mới cũng gia tăng tại nước này.

Số ca nhiễm mới ở Thụy Điển vẫn tương đối thấp so với nhiều nước ở châu Âu, với 320 ca nhiễm trong ngày 23/9.

Tuy nhiên, Thủ tướng Lofven cho rằng đây là dấu hiệu "đáng lo ngại", đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ giãn cách xã hội, tăng cường giữ gìn vệ sinh.

Ông cho biết thêm chính phủ sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng dịch mới nếu thấy cần thiết nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Trong khi đó, Hà Lan ngày 24/9 có số ca nhiễm mới trong ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay với 2.544 ca, vượt mốc 2.357 ca ghi nhận vào ngày 23/9, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này vượt trên 100.000 ca.

Theo Bộ Y tế Hà Lan, tổng số ca tử vong cũng đã lên tới 6.312 ca sau khi có thêm 16 ca tử vong mới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier chiều 23/9 thông báo tự cách ly ở nhà sau khi một nhân viên của một bộ trưởng tham dự cuộc họp các bộ trưởng thương mại EU do ông chủ trì ngày 21/9 ở thủ đô Berlin, có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Bộ trưởng Altmaier cho biết ông có kết quả xét nghiệm âm tính trong lần xét nghiệm đầu tiên.

Như vậy, ông Altmaier là người thứ hai trong nội các Đức phải tự cách ly ở nhà.

Trước đó, ngày 23/9, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng phải tự cách ly sau khi một trong những nhân viên an ninh của ông có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Mặc dù đến nay Đức kiểm soát dịch COVID-19 tốt hơn so với nhiều nước láng giềng, song số ca nhiễm đang gia tăng trở lại.

Theo Viện Robert Koch, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức, nước này ngày 24/9 ghi nhận 2.143 ca nhiễm mới và 19 ca tử vong mới.

Tại một số vùng ở Đức, các biện pháp phòng chống dịch được siết chặt đang bắt đầu có hiệu lực.

Munich, thành phố lớn thứ 3 nước này, đã yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi đến một số nơi đông đúc ngoài trời và đang cân nhắc về một lệnh cấm đồ uống có cồn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục