Dịch COVID-19: Canada mở rộng danh sách các nước cấm nhập cảnh

Từ ngày 26/11, Canada đã thực hiện lệnh cấm công dân nước ngoài nhập cảnh Canada nếu những người này đã đến một số quốc gia ở miền Nam châu Phi trong vòng 2 tuần trước đó.
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Toronto, Ontario, Canada. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Chính phủ Canada ngày 30/11 đã quyết định bổ sung lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách từ Nigeria, Malawi và Ai Cập.

Trước đó, từ ngày 26/11, nước này đã thực hiện lệnh cấm công dân nước ngoài nhập cảnh Canada nếu những người này đã đến một số quốc gia ở miền Nam châu Phi (Nam Phi, Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho, Eswatini hoặc Mozambique) trong vòng 2 tuần trước đó.

Ngoài ra, theo quy định mới, hành khách nhập cảnh Canada qua đường không, từ tất cả các quốc gia (trừ Mỹ), sẽ phải làm xét nghiệm COVID-19 khi đến. Bộ trưởng Y tế Jean-Yves Duclos nhấn mạnh yêu cầu xét nghiệm bắt buộc được áp dụng với tất cả hành khách, bất kể tình trạng tiêm chủng của họ như thế nào.

Yêu cầu này cũng sẽ áp dụng đối với công dân và thường trú nhân Canada. Khách nhập cảnh sẽ phải tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm.

Những biện pháp mới trên là một phần trong chiến lược của Canada nhằm ngăn chặn sự lây lan của Omicron - một biến thể đang khiến nhiều nước trên thế giới đóng cửa biên giới trở lại, hạn chế đi lại và các yêu cầu xét nghiệm nghiêm ngặt hơn trên quy mô toàn cầu.

Chính quyền các tỉnh Quebec, Ontario, Alberta và British Columbia đã xác nhận các trường hợp nhiễm biến thể omicron tại địa phương.

[WHO: Cấm đi lại đại trà không thể ngăn biến thể Omicron lây lan]

Tiến sỹ Howard Njoo-quan chức cấp cao thuộc Cơ quan Y tế Công cộng Canada-thông báo rằng chính phủ liên bang đã yêu cầu Ủy ban tư vấn quốc gia về tiêm chủng (NACI) cung cấp hướng dẫn nhanh về việc liệu Canada có nên sửa đổi các tiêu chuẩn, điều chỉnh kế hoạch hành động liên quan đến liều vaccine tăng cường hay không, trong bối cảnh xuất hiện biến thể Omicron.

NACI hiện khuyến cáo tiêm liều thứ ba vaccine phòng COVID-19 cho những người được coi là có nguy cơ suy giảm khả năng bảo vệ chống lại căn bệnh này, chẳng hạn như những người từ 80 tuổi trở lên hoặc những người sống trong các cơ sở chăm sóc dài hạn.

Liều vaccine tăng cường cũng dành cho những nhóm đối tượng khác được coi là có nguy cơ cao, như nhân viên y tế, cộng đồng thổ dân và những người đã tiêm vaccine của AstraZeneca và Johnson & Johnson.

Thủ tướng Justin Trudeau trước đó thông báo Canada đang xem xét các biện pháp mới để làm chậm sự lây lan của biến thể Omicron.

Lãnh đạo đảng Dân chủ mới (NDP) Jagmeet Singh đã lên tiếng kêu gọi chính quyền của Thủ tướng Trudeau từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19 để nhiều quốc gia hơn có thể sản xuất vaccine tại địa phương.

Trong khi một số quốc gia phương Tây tỏ ý sẵn sàng thảo luận về việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19, các chuyên gia trong ngành cho rằng chỉ riêng thay đổi này sẽ không thúc đẩy sự sẵn có của vaccine ở các nước đang phát triển-nơi tình trạng đình trệ trong chuỗi cung ứng và khan hiếm nguyên liệu cũng đang ảnh hưởng đến khả năng cung cấp vaccine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục