Dịch COVID-19: Các địa phương chủ động hạn chế 'vòng xoáy lây lan'

Thực tiễn chống dịch tại các địa phương đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội sẽ là bài học kinh nghiệm quý giá để các tỉnh lên phương án sẵn sàng nhằm chủ động ứng phó với dịch COVID-19.
Công tác xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm cho người dân tại Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Công tác xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm cho người dân tại Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đợt dịch COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam (từ ngày 27/4 đến nay) với diễn biến phức tạp, số ca bệnh gia tăng nhanh chóng tại nhiều tỉnh. Đây là đợt dịch mạnh nhất, nhiều ca bệnh nặng nhất, mức độ phức tạp nhất kể từ lần đầu tiên dịch xuất hiện vào năm 2020 tại Việt Nam.

Đặc biệt, tại các địa phương có dịch, hệ thống y tế đối mặt với tình trạng quá tải. Thực tiễn chống dịch tại các địa phương đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội sẽ là bài học kinh nghiệm quý giá để các tỉnh lên phương án sẵn sàng nhằm chủ động ứng phó với dịch COVID-19.

Bám sát thực tiễn

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 24/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 213.345.924 ca, trong đó có 4.454.131 người tử vong.

Trên thế giới và trong khu vực, dịch bệnh COVID-19 với biến chủng Delta đang gia tăng nhanh chóng. Trong nước, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, có nơi rất nghiêm trọng, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam.

[Bộ Y tế tiếp tục nghiêm cấm thu tiền từ việc tiêm vaccine COVID-19]

Tại Việt Nam, trong đợt dịch thứ 4, từ 27/4/2021 đến 18h30 ngày 23/8/2021, cả nước ghi nhận tổng cộng 354.355 ca mắc COVID-19 trong nước tại 62 tỉnh, thành phố.

Các địa phương có ca mắc COVID-19 nhiều gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (180.245), Bình Dương (73.425), Đồng Nai (18.311), Long An (18.193), Tiền Giang (7.743)...

Đáng lưu ý, đợt dịch lần này số ca bệnh gia tăng lên nhanh chóng. Trước tình hình trên, ngành y tế triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác khi có ca nhiễm tăng nhanh, vượt quá khả năng thu dung, điều trị của các cơ sở. Đây là những bài học kinh nghiệm và là những kịch bản các địa phương cần sẵn sàng chuẩn bị khi dịch bệnh xảy ra.

Dịch COVID-19: Các địa phương chủ động hạn chế 'vòng xoáy lây lan' ảnh 1Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Vietnam+)

Nhằm đối phó với dịch COVID-19, Nghị quyết 86 của Chính phủ ban hành ngày 6/8 đặt mục tiêu Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9. Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8.

Để hỗ trợ phòng chống dịch cho 12 tỉnh, thành phố khu vực phía Tây Nam Bộ gồm: Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, từ cuối tháng 7, Bộ Y tế đã thành lập 4 tổ công tác gồm nhiều chuyên gia hàng đầu có nhiệm vụ giám sát, hỗ trợ và phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh, để triển khai các hoạt động phòng chống dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đặc biệt lưu ý các địa phương phía Nam đang là “điểm nóng” của đợt dịch lần này cần bám sát thực tiễn, căn cứ theo Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG về việc đánh giá mức độ nguy cơ theo 4 mức độ, từ đó quyết định áp dụng phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 hoặc 15 hoặc 19.

“Sau khi đánh giá, địa bàn nào tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thì phải thực hiện nghiêm túc, tuyệt đối tránh “chặt ngoài lỏng trong,” đảm bảo hỗ trợ lương thực, thực phẩm để người dân yên tâm ở tại chỗ, không được để người dân tự ý đi ra khỏi vùng cách ly, phong tỏa,” Thứ trưởng Tuyên phân tích.

“Thần tốc” bóc tách F0

Đặc biệt, trong đợt dịch lần này Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tập trung cao độ xét nghiệm để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế nguy cơ “vòng xoáy lây lan” từ cộng đồng sang khu công nghiệp hoặc ngược lại…

Dịch COVID-19: Các địa phương chủ động hạn chế 'vòng xoáy lây lan' ảnh 2Xe xét nghiệm lưu động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để bóc tách nhanh F0, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, từ việc đánh giá khẩn trương các vùng nguy cơ, ông đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phía Nam sớm phê duyệt để đưa ra phương án tổng thể, kế hoạch chi tiết xét nghiệm theo từng vùng nguy cơ đã đánh giá, yêu cầu trả lời kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ.

“Việc xét nghiệm càng nhanh, càng thần tốc thì càng nhanh chóng bóc tách F0, giảm lây nhiễm, từ đó giảm quá tải cơ sở điều trị,” Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ rõ.

Ông Tuyên cho biết khi địa phương còn đáp ứng đủ năng lực cách ly tập trung thì phải đưa F1 cách ly tập trung. Tuy nhiên, để chuẩn bị tình huống số ca bệnh tăng nhanh, kéo theo lượng F1 lớn, Bộ Y tế đặc biệt đề nghị các tỉnh, thành phố sớm hoàn thiện phương án cách ly F1 tại nhà để trình lãnh đạo Sở Y tế hoặc Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điển hình như từ ngày 2/8 đến ngày 23/8, tỉnh Bình Dương lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2. Các địa phương lấy mẫu test nhanh và PCR cho 1.003.269 người, phát hiện 26.039 trường hợp dương tính; lấy mẫu PCR cho 113.628 công nhân tại 130 công ty trong các khu công nghiệp, ghi nhận 323 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Toàn tỉnh Bình Dương hiện có 1.205 khu vực bị phong tỏa với 121.972 người; 22.428 người đang được cách ly tập trung; 6.826 trường hợp F1 được cách ly tại nhà và 4.299 trường hợp F0 được cách ly điều trị tại nhà.

Còn tại thành phố Hà Nội, thời gian qua đã triển khai các biện pháp quyết liệt, triển khai các đợt xét nghiệm trên diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, tránh nguy cơ dịch lan rộng. Hà Nội đang trải qua tuần thứ 5 thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều kết quả khả quan khi 10 ngày liên tiếp, con số mắc mới COVID-19 chỉ dừng lại ở 2 con số.

Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay trong đợt 1 các lực lượng chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm cho 313.010 người, trong đó có 186.000 mẫu là người sống trong khu vực nguy cơ và 114.000 mẫu là người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao, phát hiện 29 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Trong đợt lấy mẫu và xét nghiệm diện rộng đợt 2, tính đến 21h00 ngày 22/8, toàn thành phố Hà Nội đã lấy được 803.117/856.422 mẫu, đạt 93,7%. Hiện tại đã có 738.172 mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính, chỉ phát hiện 54 mẫu dương tính.

Dịch COVID-19: Các địa phương chủ động hạn chế 'vòng xoáy lây lan' ảnh 3Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch, các tổ công tác của Bộ Y tế cần tham mưu, phối hợp chặt chẽ với Sở y tế và sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo chống dịch của tỉnh, mục tiêu để sớm kiểm soát được dịch bệnh, sớm đẩy lùi dịch bệnh ở các tỉnh này và trên cả nước.

Mô hình trạm y tế lưu động

Những tuần gần đây, nhiều tỉnh thành đã quyết định gia hạn thời gian thực hiện Chỉ thị 16, một số tỉnh thành nâng mức cao hơn về giãn cách xã hội để quyết liệt phòng dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại nhiều tỉnh/thành không thể quản lý điều trị F0 tại những khu vực tập trung. Kinh nghiệm và chiến lược mới được ngành y tế đưa ra cho các địa phương cần sẵn sàng các phương án chuẩn bị đó là mô hình trạm y tế lưu động. Trong bối cảnh hiện nay, việc này đặc biệt phù hợp đối với Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa bàn tại các địa phương.

Việc thiết lập các trạm y tế lưu động để phục vụ quản lý, điều trị người nhiễm tại cộng đồng, trước mắt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Y tế cũng đồng thời lưu ý các địa phương còn lại chuẩn bị sẵn sàng triển khai mô hình này để nếu xảy ra tình huống như trên thì có thể kích hoạt ngay.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong cuộc chiến phòng chống dịch ở Việt Nam chủ trương ngay từ đầu đã coi xã, phường là “pháo đài phòng chống dịch.”

Trong thời gian thực hiện giãn cách, cách ly, song song với công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện, Bộ Y tế xác định yếu tố quan trọng là chăm sóc, điều trị F0 dựa vào cộng đồng. Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế không bị đứt quãng.

Ngày 22/8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi. Đây là một chiến lược mới nhằm giúp người dân có được chăm sóc y tế sớm với mục tiêu: Tính mạng và sức khỏe của nhân dân là trên hết. Với cách làm mới này, chúng ta có cơ sở để tin rằng sẽ kéo giảm đến mức thấp nhất các ca tử vong.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương thiết lập mô hình triển khai trạm y tế lưu động tuyến xã, phường với phương châm “bám dân, gần dân và phục vụ người dân.” Trước đây mỗi xã phường có 1 trạm y tế, nhưng trong bối cảnh hiện nay có thể bố trí nhiều hơn, nhất là tại khu vực đông dân cư, nhiều người nhiễm COVID-19 như tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch hoạt động của 389 Trạm y tế lưu động để quản lý 50-100 trường hợp F0/trạm nhằm đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế khi có nhu cầu và phục vụ quản lý, điều trị, chuyển tuyến người bệnh tại cộng đồng.

Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam, việc giúp người bệnh được tiếp cận y tế một cách nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm tải trong điều trị, giảm tử vong là yêu cầu được đặt lên hàng đầu.

Dịch COVID-19: Các địa phương chủ động hạn chế 'vòng xoáy lây lan' ảnh 4Các bệnh viện hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 được xây dựng khẩn cấp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trên cơ sở các kinh nghiệm quốc tế, mô hình bệnh tật (gần 80% bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng), Bộ Y tế đã liên tục cập nhật các phác đồ về điều trị, đảm bảo để các trường hợp mắc COVID-19 được tiếp cận, chăm sóc điều trị một cách tốt nhất.

Bộ trưởng Y tế cũng nhấn mạnh chính quyền các tỉnh, thành phố phải điều hành hoạt động của các trạm y tế lưu động này và có ưu tiên để các trạm kết nối được với lực lượng cấp cứu cơ động có chức năng chuyển tuyến, bố trí xe cấp cứu chuyển bệnh nhân cần cấp cứu lên tuyến trên kịp thời.

Về nhân lực, theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến trưa 21/8 đã có 14.543 cán bộ, y bác sỹ, sinh viên ngành y thuộc Bộ Y tế, các đơn vị thuộc Bộ và tại 35 tỉnh, thành phố đến các tỉnh, thành phố phía Nam đồng hành, hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Tập trung cao độ “hai mũi”

Ngày 22/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1099/CĐ-TTg về việc tăng cường giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, công tác phòng chống dịch sẽ chuyển từ tập trung cao độ ở cấp tỉnh, thành phố sang “hai mũi”: Vừa tập trung, vừa phân tán xuống đến tận từng phường, xã. Thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và thực hiện của các địa phương, đặc biệt là biện pháp giãn cách xã hội đã được áp dụng kịp thời, đúng đắn, đạt kết quả tích cực, dịch bệnh có chiều hướng giảm tại 13/23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu.

Vì vậy, các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án và kịch bản để chủ động ứng phó với dịch bệnh.

Chính Phủ yêu cầu các địa phương cần kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo và phân cấp thực hiện, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài,” người dân là “chiến sỹ,” là trung tâm phục vụ, chủ thể phòng, chống dịch. Bởi sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch.

Đây chính  là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho mình, gia đình và cộng đồng./.

Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đến 18 giờ 30 ngày 23/8:

Số ca nhiễm: 358.456
Số ca tử vong: 8.666 ca
Số ca điều trị khỏi: 154.612

Số tiêm chủng: 17.364.569 liều. Trong đó tiêm 1 mũi là 15.530.221 liều, tiêm mũi 2 là 1.834.348 liều.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục