Dịch COVID-19: Bất động sản 'ngủ đông,' đất nền sốt ảo nhờ... môi giới

Thị trường bất động sản trong quý I/2020 đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chỉ phải “ngủ đông” do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vậy nhưng, ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng thổi giá gây “sốt đất ảo.”
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Cùng với sự suy giảm kinh tế bởi dịch COVID-19, thị trường bất động sản Việt Nam trong quý I/2020 đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí rơi vào cảnh “ngủ đông” với số lượng giao dịch nhà ở, căn hộ du lịch chỉ hơn 10% so với cùng kỳ những năm trước.

Trong “cơn khủng hoảng” ấy, bất động sản tại một số khu vực ngoại thành Hà Nội lại đang được giới “cò đất" thổi giá cao chóng mặt...

Bất động sản “ngủ đông”

Theo kết quả nghiên thị trường bất động sản vừa được Savills Việt Nam công bố, sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành du lịch, trong đó bất động sản nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng xấu nhất do sụt giảm khách quốc tế. 

Minh chứng là trong tháng Hai, công suất phòng khách sạn đã giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. 3 tuần đầu của tháng Ba, công suất phòng khách sạn tiếp tục giảm mạnh trong cả nước, nhất là ở các điểm du lịch như Đà Nẵng, Hội An…

[Thanh tra các dự án sai phạm về đất đai tại 7 tỉnh, thành phố]

“Có một điều đáng chú ý là tính đến ngày 21/3, đã có 145 dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã tự nguyện đăng ký trở thành điểm cách ly. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh rất nhiều khách sạn đã và đang nhận được lượng lớn các yêu cầu hủy phòng như hiện nay,” báo cáo của Savills Việt Nam nhấn mạnh.

Về khả năng phục hồi sau đại dịch,  Savills Việt Nam cho rằng thông thường, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng. Với dịch bệnh COVID-19, có thể thời gian phục hồi lâu hơn. Dự kiến, ngành du lịch trong nước vẫn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề và kéo dài đến hết năm 2020.

Thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, lượng giao dịch giảm mạnh. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, ông Nguyễn Văn Đính-Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết lý do khiến thị trường bất động sản hiện đang bị “tuột dốc” là bởi nguồn cung giảm mạnh từ năm 2019, do “nút thắt” liên quan đến quy định của pháp luật khiến nhiều dự án bị vướng.

Nguyên nhân tiếp theo là bởi năm nay Tết sớm và kéo dài và ngay sau Tết lại tiếp tục xảy ra dịch bệnh cho đến nay.

“Tất cả những yếu tố trên đã tạo ra tình trạng xấu, dẫn đến sự ‘ngủ đông’ của toàn bộ các hoạt động của thị trường bất động sản. Số lượng giao dịch chỉ đạt tương đương khoảng trên 10% so với cùng kỳ những năm trước,” ông Đính nhấn mạnh.

Dù vậy, ông Đính tin tưởng nếu hết quý 3/2020, dịch bệnh được kiểm soát tốt thì nhiều khả năng đến quý 4 bất động sản sẽ chứng kiến đợt sôi động mới. Và nếu nguồn cung vẫn khan hiếm vượt nguồn cầu thì giá sẽ tăng.

"Cò thổi giá," sốt đất ảo ở một số vùng quê

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang phải “ngủ đông” do dịch COVID-19 và cả nước đang nỗ lực dập dịch, thì ở một số nơi, tình trạng "cò đất" thổi giá lại xuất hiện, khiến nhiều “nhà đầu tư” chạy theo, thờ ơ với dịch…

Đơn cử như tại xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội), những ngày giữa tháng Ba vừa qua, từ thông tin chưa được kiểm chứng về việc sẽ có một tập đoàn lớn dự kiến xây khu đô thị, nhiều cò đất đã tung thông tin gây ra “sốt đất” và liên tục thổi giá lên cao.

Đáng nói là ngay cả khi báo chí phản ánh và chính quyền địa phương đã liên tiếp cảnh báo về tin giả, thì ở làng quê này, mỗi ngày vẫn xuất hiện hàng trăm "cò đất," nhà đầu tư đổ về tụ tập thành nhiều nhóm để mua bán đất, kiếm lời.

Theo một số người dân địa phương, khu vực này mỗi ngày một giá. Thế nên, nhiều lô đất chỉ trong ít ngày đã được cò đất “thổi” lên cao, từ 8 triệu đồng lên 23 triệu đồng. Thực tế này đã khiến nhiều nhà đầu tư đổ về tìm hiểu; một số người dân cũng tiến hành xây bờ tường quanh khu đất của mình để đánh dấu vị trí đẹp.

Khu vực thôn Quan Giai, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, những ngày giữa tháng 3/2020 bỗng thành "chợ đất" vì cơn sốt đất ảo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trước thực trạng trên và để đảm bảo phòng chống dịch, chính quyền địa phương đã kiên quyết giải tán “chợ đất.” Các thông báo của chính quyền cũng đã được dán khắp nơi, từ các cột điện, tường bao, hàng rào để cảnh báo.

Theo thông báo, thời gian gần đây tại khu vực Quan Giai thuộc xã Đồng Trúc có rất đông người đến môi giới mua bán nhà đất và đưa thông tin không chính xác về dự án xây dựng khu đô thị tại khu vực này. Ủy ban Nhân dân xã thông báo hiện nay chưa có quy hoạch khu đô thị nào được duyệt tại xã Đồng Trúc.

Công khai dự án, xử lý hình sự

Qua nắm bắt thông tin về tình trạng thổi giá, sốt đất ảo trên, một số chuyên gia bất động sản cho rằng câu chuyện “sốt đất” tại Thạch Thất cũng có kịch bản gần giống với “cơn sốt” đất diễn ra cách đây 1 tháng tại Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hay việc rao bán dự án ảo của địa ốc Alibaba gây “bão” suốt nhiều năm qua.

Do đó, người dân và các “nhà đầu tư” cần thực sự tỉnh táo khi đầu tư lao theo tâm lý đám đông, đổ tiền mua những lô đất không nằm trong dự án, không rõ nguồn gốc, cũng như không có hạ tầng để rồi khi cơn sốt qua lại phải “ngậm trái đắng.”

['Miếng bánh' từ dòng vốn ngoại và cơ hội cho các doanh nghiệp địa ốc]

“Mổ xẻ” vấn đề cần dẹp bỏ trên, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng nguyên nhân dẫn tới việc “sốt đất ảo” ngày càng “tràn lan” trên thị trường là do quy định giữa các Luật vẫn còn kẽ hở.

Đơn cử, Luật Kinh doanh bất động sản mặc định mọi hành vi rao bán khi dự án chưa hình thành là vi phạm, nên chỉ quản lý các hành vi từ thời điểm ký hợp đồng mua bán nền nhà, hoặc khi đã xây nền móng. Còn giai đoạn trước đó, tức là những thỏa thuận theo Luật Dân sự thì Luật Kinh doanh bất động sản lại không đề cập.

Bên cạnh kẽ hở pháp lý, theo ông Đính, việc gia tăng dự án bất động sản “ảo” là do sự tắc trách, lơ là quản lý của chính quyền địa phương.

“Tôi cho rằng, lý do khiến dự án bất động sản ‘ảo’ ngày càng nhiều là do sự buông lỏng quản lý, thậm chí là tiếp tay cho các doanh nghiệp của chính quyền địa phương. Nếu chính quyền địa phương quản lý chặt ngay từ đầu thì làm gì có những Alibaba,... có thể vô tư huy động vốn, lôi kéo, thổi giá, tụ tập một số lượng lớn khách hàng đến xem dự án, mà chính quyền lại không hay biết?” ông Đính lưu ý.

Từ thực tế nêu trên, vị chuyên gia Hội Môi giới bất động sản kiến nghị, đối với trường hợp chào bán đất trái pháp luật, rõ ràng là hành vi lừa đảo thì cương quyết phải dẹp.

“Việc này hoàn toàn có thể xử lý hình sự và thực tế đã xử lý nhiều rồi, vấn đề là có quyết liệt vào cuộc không thôi,” ông Đính nhấn mạnh.

Về lâu dài, ông Đính kiến nghị chính quyền địa phương cấp cơ sở cần phải công khai các dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý lên cổng thông tin địa phương, để đảm bảo công tác quản lý, cũng như tạo điều kiện cho người dân tra cứu, tham khảo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục