Dịch COVID-19: Bahrain cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin Sputnik V

Vắcxin Sputnik V đã được giới khoa học công nhận có hiệu quả phòng ngừa COVID-19 gần 92% sau khi các kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên quy mô lớn được công bố trên tạp chí The Lancet.
Vắcxin Sputnik V của Nga phòng COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 10/2, truyền hình Bahrain đưa tin nước này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắcxin Sputnik V phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do Nga sản xuất.

Bahrain hiện sử dụng vắcxin của Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức), một loại vắcxin do tập đoàn dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc sản xuất và vắcxin của Đại học Oxford/AstraZeneca (Anh).

Vắcxin Sputnik V đã được giới khoa học công nhận có hiệu quả phòng ngừa COVID-19 lên tới gần 92% sau khi các kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên quy mô lớn được công bố trên tạp chí y khoa quốc tế uy tín The Lancet.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin TASS trong tuần qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin cho biết Nga đang đàm phán với khoảng 50 nước về việc cung cấp vắcxin Sputnik V.

[Chủ tịch EC thừa nhận chậm trễ trong cấp phép và tiêm chủng vắcxin]

Cùng ngày, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết những người dưới 55 tuổi từng nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ phải chờ ít nhất 6 tháng kể từ khi được chẩn đoán mới được tiêm vắcxin ngừa COVID-19.

Biện pháp này sẽ được áp dụng cho 3 loại vắcxin hiện đang được phân phối ở Tây Ban Nha và đang tạm thời chờ nghiên cứu thêm.

Biện minh cho quyết định ưu tiên tiêm chủng cho những người chưa từng mắc COVID-19, Bộ trên cho rằng các trường hợp tái nhiễm trong vòng 6 tháng là "hiếm có."

Tuy nhiên, thời gian chờ trên không áp dụng với những người ngoài 55 tuổi hay có nguy cơ sức khỏe khiến họ dễ bị tái nhiễm.

Trước đó, một nghiên cứu lớn của Anh được công bố vào tuần trước cho thấy 99% những người tham gia cuộc nghiên cứu trước đó đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 có kháng thể tồn tại trong cơ thể trong 3 tháng, trong khi 88% người vẫn còn kháng thể trong 6 tháng.

Theo chương trình tiêm chủng vắcxin được cập nhật, cho tới nay, những người dưới 55 tuổi được chủng ngừa là các chuyên gia chăm sóc y tế.

Ở những nơi khác ở châu Âu, một số nhà dịch tễ học Italy cho rằng việc tiêm chủng cho những người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 là vô nghĩa, song Italy chưa đưa ra quyết định nào về việc có chủng ngừa cho các bệnh nhân đang bình phục hay không.

Trong khi đó, tại Pháp, cơ quan y tế công cộng tin rằng không cần thiết phải tiêm cho những người có các triệu chứng mắc COVID-19, mặc dù những bệnh nhân này vẫn có thể lựa chọn tiêm vắcxin sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục