Dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến các cửa hàng ăn uống tại Nhật Bản

Năm doanh nghiệp lớn của Nhật Bản là Colowide, Chimney, Watami, Sanko Marketing Food, SFP Holdings đã quyết định đóng 420 cửa hàng ăn uống trên toàn Nhật Bản.
Dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến các cửa hàng ăn uống tại Nhật Bản ảnh 1Nhiều cửa hàng ăn uống ở Nhật Bản phải đóng cửa do doanh thu sụt giảm. (Nguồn: Bloomberg)

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã ảnh hưởng đến hệ thống các cửa hàng cung cấp dịch vụ ăn uống tại chỗ ở Nhật Bản.

Nhiều cửa hàng phải tuyên bố đóng cửa do doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, trái ngược với xu hướng dần phục hồi của chuỗi các cửa hàng cung cấp các món ăn sẵn để khách hàng có thể mua về nhà.

Theo thống kê của báo Yomiuri (Nhật Bản), năm doanh nghiệp lớn của Nhật Bản là Colowide, Chimney, Watami, Sanko Marketing Food, SFP Holdings đã quyết định đóng 420 cửa hàng ăn uống trên toàn Nhật Bản, tương đương 10% cửa hàng mà các năm doanh nghiệp này đang đang sở hữu.

Doanh số của hệ thống cửa hàng của Colowide trong tháng 9/2020 đã giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận tháng giảm thứ bảy liên tiếp.

Doanh nghiệp này dự kiến sẽ đóng cửa khoảng 200 quán ăn không có lãi trong tổng số 2.700 cửa hàng mà doanh nghiệp đang sở hữu.

Công ty Watami cũng sẽ đóng cửa 65 trong số 490 cửa hàng, trong đó bao gồm cả một số quán ăn nằm trong chuỗi hệ thống kinh doanh chủ lực của công ty này là Miraizaka.

Hiệp hội Dịch vụ thực phẩm Nhật Bản cho biết doanh số của các quán rượu, cửa hàng ăn nhanh, cửa hàng ăn uống phục vụ gia đình (Family Restaurant)... trong tháng 9/2020 đã giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019.

[COVID-19 làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân khẩu học tại Nhật]

Đặc biệt, doanh thu của các quán rượu tiếp tục đà giảm mạnh của các tháng trước, với mức giảm lên đến 47%.

Trái ngược với tình hình kinh doanh ảm đạm của các quán rượu, các cửa hàng có cung cấp nhiều món ăn sẵn cho khách hàng mua về nhà tiếp tục ghi nhận sự phục hồi ổn định với mức doanh thu trong tháng 9/2020 tăng 3% so với cùng kỳ năm 2019.

Hệ thống cửa hàng ăn uống gia đình cũng ghi nhận sự phục hồi ở mức 90% so với cùng kỳ năm 2019 khi nhu cầu đặt món ăn mang về nhà tăng lên do người dân lo ngại không gian quán ăn không đảm bảo điều kiện phòng chống dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục