Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 6/6, Ấn Độ ghi nhận tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của nước này đã vượt Italy, quốc gia từng là tâm dịch châu Âu.
Như vậy, Ấn Độ hiện đứng thứ 6 thế giới về số ca mắc bệnh.
Cụ thể, theo số liệu do Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ công bố sáng 6/6, nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay với 9.887 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm trên toàn quốc lên 236.657 người, trong đó có 6.642 trường hợp tử vong, tăng 294 người trong 24 giờ qua.
Hiện Ấn Độ chỉ đứng sau Mỹ, Brazil, Nga, Tây Ban Nha và Anh về tổng số ca nhiễm bệnh.
Dù đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt hơn 2 hai tháng qua, số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ vẫn đang gia tăng và dịch chưa có dấu hiệu đạt đỉnh. Hiện Ấn Độ đang từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế và cho phép nối lại nhiều hoạt động xã hội.
Trung Quốc và Pháp điện đàm về các vấn đề chống dịch
Ngày 5/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để thảo luận về các vấn đề liên quan đến đại dịch COVID-19.
Trong cuộc điện đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi hai bên phối hợp nỗ lực để đẩy lui dịch bệnh trên toàn cầu.
[Tình hình dịch bệnh sáng 6/6: Mỹ và Mỹ Latinh tiếp tục là điểm nóng]
Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, hai nước cần tiếp tục ủng hộ cộng đồng quốc tế để cùng nhau phòng chống đại dịch này.
Về phần mình, Tổng thống Macron cho biết Pháp và Trung Quốc đã phối hợp tốt và thể hiện sự đoàn kết trong cuộc chiến chống COVID-19.
Ông cho biết thêm Pháp hy vọng có thể tăng cường hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc trong thời gian tới.
EU hỗ trợ CHDC Congo
Liên minh châu Âu (EU) thông báo triển khai cầu hàng không nhân đạo để hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch tại CHDC Congo, bắt đầu từ ngày 7/6.
Theo đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves le Drian, người đồng cấp Bỉ Philippe Goffin và Ủy viên EU về quản lý khủng hoảng Janez Lenarcic sẽ đến thủ đô Kinshasa để làm việc với Tổng thống CHDC Congo Felix Tshisekedi về kế hoạch này.
Các chuyến bay nhân đạo sẽ mang theo ít nhất 40 tấn hàng viện trợ, như là máy lọc nước, vật tư y tế... do EU, chính phủ các nước cũng như các cơ quan nhân đạo cung cấp.
Là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, ngoài COVID-19, CHDC Congo đang phải vật lộn để đối phó với các dịch bệnh khác như Ebola và sốt rét.
EU đã cam kết dành 3,67 tỷ USD tài trợ và 1,4 tỷ USD tín dụng để giúp các nước nghèo, trong đó có CHDC Congo vượt qua khủng hoảng.