Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong thời gian vừa qua, do điều kiện thời tiết, môi trường không thuận lợi làm cho dịch bệnh trên tôm phát sinh và gây thiệt hại đáng kể cho các hộ nuôi thả tại một số địa phương.
Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cũng nêu rõ, từ đầu năm 2016 đến tháng Tám, toàn tỉnh Cà Mau có trên 415ha diện tích nuôi tôm công nghiệp bị bệnh, chủ yếu do bệnh đốm trắng và bệnh liên quan đến gan tụy.
Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh và xuất cấp hóa chất hỗ trợ các hộ nuôi xử lý môi trường ao nuôi.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay, dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ đã xuất hiện và lây lan tại một số địa phương thuộc tỉnh Cà Mau với tổng diện tích thiệt hại là 360,95ha (chiếm 3,66% tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp) trên phạm vi 58 xã thuộc 7 huyện, thành phố.
Cụ thể các địa phương chịu thiệt hại gồm: thành phố Cà Mau, huyện Trần Văn Thời, huyện Phú Tân, huyện Ngọc Hiển, huyện Năm Căn, huyện Đầm Dơi và huyện Cái Nước. Trong số đó, diện tích thiệt hại do bệnh đốm trắng là 21,83ha; hoại tử gan tụy cấp là 339,12ha.
Với những thiệt hại này, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau có công văn về việc xin hỗ trợ hóa chất để chống dịch tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Cà Mau, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Địa phương đề nghị hỗ trợ 100 tấn hóa chất để xử lý môi trường phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản từ nguồn dự trữ quốc gia.
Nhận định tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cũng đánh giá, hiện nay tình hình dịch bệnh tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan ra các địa phương khác là rất lớn.
“Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các cơ quan chuyên ngành của tỉnh Cà Mau tổ chức công tác phòng chống dịch bệnh. Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cũng đã bố trí kinh phí cho hoạt động phòng chống dịch bệnh thủy sản, đã chủ động ngân sách địa phương để mua hóa chất xử lý môi trường ao nuôi phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách địa phương hạn hẹp nên không cung cấp đủ hóa chất xử lý môi trường, do đó công tác phòng chống dịch bệnh gặp khó khăn,” Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.
Do đó, trên cơ sở căn cứ tình hình thực tế và để giúp tỉnh Cà Mau khắc phục thiệt hại, tiêu độc khử trùng môi trường phục hồi sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng vừa gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất không thu tiền 60 tấn hóa chất Chlorine 65% min dự trữ quốc gia cho tỉnh Cà Mau.
Theo số liệu theo dõi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến nay toàn tỉnh Cà Mau đã thả nuôi được gần 94.973,82ha diện tích nuôi tôm (trong đó diện tích nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến: 85.099,46ha; nuôi tôm công nghiệp: 9.874,36ha)./.