Các cuộc không kích của Israel tại Dải Gaza đã khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng nhưng một kẻ sát nhân vô hình khác đang rình rập, đe dọa làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hệ thống chăm sóc sức khỏe của Gaza đang “sụp đổ” và “những tín hiệu đáng lo ngại về dịch bệnh” đang xuất hiện.
Tahani Abu Taima, một bà mẹ có 6 người con ở Gaza, cho biết cô con gái 2 tuổi của mình đang bị tiêu chảy, nôn mửa, hắt hơi và “run rẩy vì lạnh và thiếu thức ăn.”
Abu Taima cho biết đứa trẻ luôn đòi ăn nhưng cô chẳng còn lại gì. Điều đó buộc cô phải cho con bất cứ thứ gì kiếm được, ngay cả khi thức ăn đó bị nhiễm khuẩn.
Abu Taima, 42 tuổi, bị ung thư tuyến giáp và bị nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng do bụi và các loại hạt tồn tại rất lâu sau các cuộc không kích của Israel.
Không có điện hoặc nhiên liệu, cô phải đốt củi để sưởi ấm cho gia đình, mặc dù khói bếp sẽ làm trầm trọng thêm căn bệnh đường hô hấp.
Gia đình đang trú ẩn tại Bệnh viện Nasser, nhưng cơ sở quá tải chỉ cung cấp phương pháp điều trị hạn chế cho những người bị thương nặng nhất.
Trong số các bệnh nhân và người dân phải sơ tán, chen chúc nhau không có nước sạch và vệ sinh, bệnh nhiễm trùng lây lan nhanh chóng.
Sau 10 tuần chiến dịch quân sự của Israel chống lại Hamas, khu vực Gaza đông đúc, bị bao vây, bị bắn phá và nạn đói là mảnh đất màu mỡ cho dịch bệnh.
Bộ Y tế Gaza và các bác sỹ cho biết nhiễm trùng tụ cầu khuẩn, thủy đậu, phát ban, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm màng não, quai bị, ghẻ, sởi và ngộ độc thực phẩm đều đang gia tăng.
WHO đặc biệt quan ngại về tình trạng tiêu chảy ra máu, vàng da và nhiễm trùng đường hô hấp. Liên hợp quốc đang theo dõi 14 căn bệnh có khả năng bùng phát thành dịch bệnh tại Gaza.
WHO cảnh báo: “Nguy cơ dịch bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn khi tình hình ngày càng xấu đi và thời tiết mùa Đông đang đến gần.”
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong tháng này, “nhu cầu về sức khỏe đã tăng lên đáng kể và năng lực của hệ thống y tế đã giảm xuống còn 1/3 so với trước đây.”
WHO cho biết 2/3 trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu đã đóng cửa; 11 trong số 36 bệnh viện ở Gaza đang hoạt động một phần. Cơ quan Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine đang vận hành 9 trong số 28 phòng khám y tế cơ bản.
Gần 85% người dân Gaza đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 1,3 triệu người sống trong các khu tạm trú, nơi trung bình cứ 220 người có một nhà vệ sinh và một phòng tắm cho mỗi 4.500 người.
Người ta đặc biệt lo ngại về các đợt bùng phát ở Rafah, nơi gần một nửa trong số 2,1 triệu người của khu vực này đang trú ẩn trong nhà, trường học, lều trại và đường phố.
Trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo dữ liệu của WHO, các trường hợp tiêu chảy ở trẻ em đã tăng 66% từ ngày 29/11 đến ngày 10/12 và ở người lớn, con số này là 55%./.
Xung đột giữa Hamas và Israel: Hệ thống y tế tại Dải Gaza gần như sụp đổ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca bệnh hô hấp, tiêu chảy, chấy rận, ghẻ lở tại Gaza tăng vọt; có nguy cơ lây lan dịch bệnh vì tình trạng tụ tập quá đông đúc tại các điểm sơ tán.