Dịch bệnh Ebola quay trở lại khu vực Tây Phi sau 5 năm vắng bóng

Theo số liệu thống kê, đợt dịch bệnh Ebola tồi tệ xuất hiện từ 2013-2016 đã giết chết hơn 11.300 người, chủ yếu ở 3 quốc gia gồm Guinea, Sierra Leone và Liberia.
Dịch bệnh Ebola quay trở lại khu vực Tây Phi sau 5 năm vắng bóng ảnh 1Ảnh tư liệu: Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do nhiễm virus Ebola ở Conakry, Guinea, ngày 8/3/2015. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tây Phi lại đang phải đối mặt với dịch bệnh Ebola, với 7 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 3 trường hợp tử vong, đã được ghi nhận vào ngày 14/2 tại Đông Nam Guinea, nơi bắt đầu bùng phát đợt dịch tồi tệ nhất trong lịch sử do virus này gây ra trong giai đoạn 2013-2016.

Theo phóng viên TTXVN tại Algeria, hiện cả thế giới chưa biết bao giờ mới kết thúc đại dịch COVID-19, thì dịch bệnh Ebola dường như đã quay trở lại Tây Phi.

Tuy nhiên, chính quyền Conakry và WHO cho rằng khu vực này đã được trang bị tốt hơn so với 5 năm trước, đặc biệt là nhờ vào tiến bộ trong công tác tiêm chủng, để đối phó với dịch bệnh do virus Ebola.

Dịch bệnh này xuất hiện lần đầu tiên tại Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1976 và nó vẫn thường xuyên tái xuất hiện ở quốc gia này.

[Guinea ghi nhận ca tử vong vì virus Ebola đầu tiên kể từ năm 2016]

Tại Liberia, quốc gia láng giềng với Guinea, nơi hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc Ebola nào, Tổng thống George Weah ngay lập tức ra lệnh tăng cường cảnh giác và nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là những người sống dọc biên giới.

Bộ trưởng Y tế Guinea, ông Rémy Lamah, bày tỏ: "Tôi lo lắng như bất cứ một người nào khác, nhưng tôi vẫn bình tĩnh vì chúng tôi đã kiểm soát được dịch bệnh ngay trong đợt dịch đầu tiên và việc tiêm chủng đang được triển khai rất khả thi."

Theo số liệu thống kê, đợt dịch bệnh tồi tệ xuất hiện từ 2013-2016 đã giết chết hơn 11.300 người, chủ yếu ở 3 quốc gia gồm Guinea, Sierra Leone và Liberia.

Trong đó, Guinea đã ghi nhận hơn 2.500 người chết trong đợt dịch bệnh này.

Người đứng đầu Cơ quan y tế Guinea, Tiến sỹ Sakoba Keïta, nhấn mạnh tại cuộc họp khẩn: "Tình hình so với năm 2014 là rất khác biệt, vì vào thời điểm đó, Guinea phải mất 3,5 tháng để chẩn đoán, trong khi lần này chỉ mất chưa đầy hai tuần. Chưa kể rằng vắcxin cũng được dự trữ và có sẵn tại Geneva, trụ sở của WHO. Chúng tôi sẽ thực hiện tiêm chủng nhanh chóng."

Về phần mình, đại diện của WHO tại Conakry, Giáo sư Alfred George Ki-Zerbo, cho biết rằng tổ chức này sẽ triển khai các nguồn lực một cách nhanh chóng và đảm bảo các liều vaccine cần thiết sẽ được "cung cấp càng nhanh càng tốt."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục