Năng lực lưu trữ dầu toàn cầu đang chịu sức ép lớn do sản lượng dầu tăng mạnh của Saudi Arabia và Mỹ trong khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới và nhu cầu dầu thô.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga đã hợp tác chặt chẽ từ năm 2016 để cắt giảm sản lượng dầu, hỗ trợ giá dầu và bảo vệ nguồn thu ngân sách quan trọng từ hoạt động xuất khẩu dầu.
Tình hình đã thay đổi vào đầu tháng 3/2020 khi Saudi Arabia tiến hành “cuộc chiến giá dầu” với Nga sau khi OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh, trong đó có Nga, không đạt được nhất trí về việc tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu để hạn chế tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Điều này đã khiến giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai thập niên qua, với dầu Brent tại thị trường London (Anh) giảm xuống còn 24,52 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tại thị trường New York (Mỹ) giảm xuống còn 19,46 USD/thùng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, mặc dù nhu cầu dầu trên thế giới sụt giảm, song hoạt động sản xuất “vàng đen” vẫn tiếp tục diễn ra dẫn tới tình trạng các kho chứa dầu trên toàn cầu rơi vào tình trạng quá tải.
[Quan chức Nga: OPEC+ có thể đạt thỏa thuận để cân bằng thị trường dầu]
Theo nhà phân tích Olivier Jakob của Petromatrix, sản lượng dầu tăng từ các thành viên OPEC sẽ gây sức ép đối với các kho dự trữ dầu thô."
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu năng lượng Kpler, tổng kho dự trữ dầu hiện đã vượt qua mức đỉnh trước đó vào đầu năm 2017 và đang tiếp tục tăng.
Michael Tran, chiến lược gia năng lượng tại RBC Capital Markets, dự đoán lượng dư cung dầu toàn cầu có thể đạt 10,6 triệu thùng/ngày trong quý 2/2020. Chuyên gia này cho rằng năng lực lưu trữ dầu toàn cầu đang được sử dụng 66% và vẫn còn có thể chứa gần 1,7 tỷ thùng.
Ngành hàng không gặp khó khăn lớn do dịch COVID-19 khiến các hãng hàng không phải ngừng hầu hết các chuyến bay do các hạn chế đi lại và nhu cầu đi lại bằng đường không giảm mạnh.
Nhà phân tích Bjornar Tonhaugen của Rystad Energy nhận định, trong số các loại nhiên liệu thì nhiên liệu máy bay sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch COVID-19. Nhu cầu nhiên liệu máy bay hiện giảm xấp xỉ 20% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương khoảng 1,4 triệu thùng/ngày). Trước đó, nhu cầu nhiên liệu máy bay của thế giới trong năm 2019 ước đạt khoảng 7,2 triệu thùng/ngày.
Về phần mình, nhà phân tích Bjarne Schieldrop của SEB đã dự đoán một triển vọng ảm đạm về lưu trữ dầu khi giá dầu giảm xuống gần mức thấp gần đây mà không có sự phục hồi bền vững nào trong tương lai gần./.