Dịch bệnh COVID-19: Số ca nhiễm tại châu Âu vượt 30 triệu người

Châu Âu đang là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của COVID-19; Mỹ Latinh và Caribe với gần 17 triệu ca nhiễm và châu Á với hơn 14 triệu ca nhiễm.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Roubaix, Pháp. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hãng tin AFP dẫn số liệu y tế chính thức cho biết tính đến 15 giờ giờ Việt Nam ngày 15/1, châu Âu đã ghi nhận tổng cộng hơn 30 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Châu Âu đang là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, đứng sau là Mỹ và Canada với tổng cộng gần 24 triệu ca nhiễm, Mỹ Latinh và Caribe với gần 17 triệu ca nhiễm và châu Á với hơn 14 triệu ca nhiễm.

Cùng ngày, Viện Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) thông báo số ca mắc COVID-19 tại Đức đã vượt 2 triệu người, trong khi số ca tử vong đã lên gần 45.000 ca.

Trước đó, tại cuộc họp giữa các thành viên cấp cao của đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) ngày 14/1, Thủ tướng Angela Merkel bày tỏ mong muốn tổ chức sớm cuộc họp với lãnh đạo ngay trong tuần tới để bàn về các biện pháp ứng phó với dịch bệnh. Theo bà, dịch bệnh chỉ có thể được ngăn ngặn nếu bổ sung các biện pháp nghiêm ngặt hơn.

[Dịch COVID-19: Châu Âu tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng dịch]

Trong khi đó, Pháp thông báo các du khách tới từ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể nhập cảnh thông qua việc nộp xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 18/1, du khách sẽ không được phép dùng xét nghiệm kháng thể, que thử nhanh cho kết quả chỉ trong vài phút. Những xét nghiệm này thường được các tài xế xe tải sử dụng để vận chuyện hàng hóa giữa Anh và Pháp.

Trong những tuần qua, Pháp đã yêu cầu những người nhập cảnh từ Anh phải chứng minh họ không mắc COVID-19. Hiện chưa rõ quy định mới sẽ ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa giữa hai nước như thế nào. Nếu không được phép dùng các xét nghiệm trên, du khách sẽ phải xét nghiệm bằng PCR và sẽ có kết quả sau vài ngày. Phương pháp này ít phổ biến tại Anh hơn, do người dân cần chứng nhận y tế để được xét nghiệm.

Tại Hy Lạp, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis thông báo nước này có thể nới lỏng một số hạn chế trong lĩnh vực bán lẻ vào tuần tới, sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc đã giúp khống chế dịch hiệu quả.

Trước đó, Chính phủ Hy Lạp đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào đầu tháng 11/2020, sau khi số ca nhiễm tăng mạnh, chủ yếu tại miền Bắc và khu vực rộng lớn tại thủ đô Athens. Đây là lần thứ hai Hy Lạp phải áp đặt phong tỏa do dịch COVID-19.

Theo trang thống kê worldometers.info, đến nay, Hy Lạp có tổng cộng 147.283 ca nhiễm và 5.387 ca tử vong do dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục