Dịch bệnh COVID-19 ở châu Âu vẫn diễn biến hết sức phức tạp

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 24,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 522.900 ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh, ngày 21/12/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 20 giờ 30 phút ngày 23/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 78.502.145 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.726.959 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 55.260.986 người.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 24,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 522.900 ca tử vong.

Anh cân nhắc mở rộng phạm vi áp đặt hạn chế nghiêm ngặt nhất

Ngày 23/12, Bộ trưởng Nhà ở của Anh Robert Jenrick cho biết Chính phủ Anh đang cân nhắc phương án mở rộng phạm vi áp đặt các hạn chế phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt nhất, trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan.

Phát biểu với kênh truyền hình BBC, Bộ trưởng Jenrick nêu rõ ủy ban về phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ Anh, do Thủ tướng Boris Johnson đứng đầu, dự kiến sẽ họp trong ngày 23/12 để quyết định liệu có cần siết chặt các hạn chế hay không.

Cuộc họp sẽ đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh dựa trên số ca mắc ghi nhận trên toàn nước Anh, đặc biệt là những ca liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

[Dịch COVID-19 sáng 23/12: châu Âu đang là tâm dịch của thế giới]

Ông Jenrick cho biết Chính phủ Anh không có kế hoạch thay đổi quy định đối với những khu vực thuộc vùng England nhưng không thuộc diện áp dụng hạn chế ở mức cao nhất, trong đó có thủ đô London và vùng lân cận, theo đó giới hạn tối đa 3 hộ gia đình được phép tụ họp trong dịp lễ Giáng sinh.

Tuy nhiên, ông để ngỏ khả năng siết chặt các hạn chế từ ngày 26/12 nếu biến thể mới lây lan sang các vùng khác và số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng.

Số ca mắc mới COVID-19 ở Anh ghi nhận trong ngày 22/12 ở mức cao nhất kể từ đầu dịch, với số ca mắc và nhập viện liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tăng đột biến.

Cuối tuần qua, nước này đã phải thắt chặt các hạn chế phòng dịch ở thủ đô London và khu vực miền Nam England để ngăn chặn dịch lây lan.

Do lo ngại nguy cơ lây lan của biến thể virus SARS-CoV-2, nhiều nước châu Âu và châu Á đã tạm dừng tiếp nhận các chuyến bay từ Anh.

Mới đây nhất, ngày 23/12, Na Uy thông báo gia hạn lệnh cấm các chuyến bay đến từ Anh thêm ít nhất 3 ngày.

Bộ Y tế Na Uy cho biết đến ngày 26/12 tới, nước này sẽ đưa ra quyết định liệu có tiếp tục gia hạn lệnh cấm này hay không.

Trước đó, ngày 21/12, Na Uy đã quyết định lập tức ngừng các chuyến bay từ Anh tới nước này trong ít nhất 48 giờ.

Cùng ngày, hãng hàng không Philippine Airlines của Philippines thông báo tạm cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh kể từ ngày 24/12 đến cuối tháng 2/2021.

Philippine Airlines cho biết hãng ủng hộ tất cả các biện pháp nhằm kiểm soát sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong và sau kỳ nghỉ lễ cuối năm. Hãng hàng không Philippine Airlines khai thác tuyến Manila-London-Manila với tần suất mỗi tuần 1 chuyến.

Tình hình dịch tại Pháp vẫn chưa được kiểm soát

Ngày 23/12, bà Karine Lacombe, người đứng đầu khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Saint-Antoine của Paris (Pháp), cho biết dịch COVID-19 ở Pháp hiện chưa được kiểm soát và có khả năng phải tiến hành một đợt phong tỏa mới.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 16/12/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Phát biểu với kênh truyền hình BFM, bà Lacombe cho hay: "Về mặt dịch tễ học, dịch COVID-19 hiện vượt ngoài tầm kiểm soát."

Các chuyên gia y tế đã bày tỏ lo ngại rằng dịp lễ Giáng sinh có thể dẫn đến sự gia tăng các trường hợp mắc COVID-19 tại Pháp và châu Âu.

Số liệu công bố ngày 22/12 cho thấy trong vòng 24 giờ Pháp ghi nhận thêm 11.795 ca mắc COVID-19 và 802 ca tử vong.

Tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đến nay là 2,49 triệu ca, trong đó có 61.700 ca tử vong.

Số ca mắc mới ở Cộng hòa Séc lần đầu vượt ngưỡng 10.000 ca trong hơn một tháng qua

Ngày 23/12, Cộng hòa Séc phát hiện thêm 10.821 ca mắc COVID-19, đánh dấu lần đầu tiên kể từ ngày 6/11 số ca mắc mới vượt ngưỡng 10.000 ca. Đến nay, nước này xác nhận 635.000 ca mắc COVID-19 và 10.500 ca tử vong.

Bộ Y tế Séc cho biết do số ca mắc và nhập viện do COVID-19 tiếp tục tăng cao, dự kiến trong ngày 23/12, chính phủ nước này sẽ ra quyết định về việc nâng áp đặt hạn chế phòng dịch lên mức 5 - mức cao nhất.

Trước đó, Chính phủ Séc đã quyết định cấm các chuyến bay đến từ Anh từ trưa ngày 21/12 do lo ngại về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh được phát hiện ở nước này.

Thụy Sĩ bắt đầu triển khai tiêm vắcxin ngừa COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Thụy Sĩ đã bắt đầu tiến hành tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19.

Một cụ bà 90 tuổi đang sống tại nhà dưỡng lão ở khu vực Lucerne, miền Trung Thụy Sĩ là bệnh nhân đầu tiên được tiêm phòng vắcxin do Pfizer-BioNTech bào chế, chỉ 4 ngày sau khi nhà chức trách phê duyệt việc sử dụng.

Tính đến thời điểm này, Thụy Sĩ có tổng cộng hơn 415.000 ca nhiễm và hơn 6.300 ca tử vong do COVID-19.

Vắcxin phòng COVID-19 do hai hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển. (Nguồn: THX/TTXVN)

Cuối tuần qua, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Thụy Sĩ (Swissmedic) thông báo phê duyệt việc sử dụng vắcxin tiêm hai mũi của Pfizer-BioNTech sau 2 tháng đánh giá. Swissmedic vẫn đang xem xét các loại vắcxin khác, bao gồm các vắcxin do Moderna và AstraZenenca bào chế.

Thụy Sĩ, với dân số 8,5 triệu người, đã đặt hàng 15,8 triệu liều từ các nhà sản xuất này và Pfizer-BioNTech.

Trong những ngày tới, công tác tiêm phòng cho những lớn tuổi trong các nhà dưỡng lão ở Lucerne sẽ được tiếp tục. Mũi tiêm thứ hai sẽ cách mũi tiêm đầu 3 tuần.

Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang (FOPH) của Thụy Sĩ đã khởi động chiến dịch thông tin tiêm chủng quốc gia tại một cuộc họp báo ở Bern vào ngày 22/12 vừa qua.

Chiến dịch chính trên toàn quốc sẽ bắt đầu vào ngày 4/1/2021.

Trên phạm vi toàn quốc, 4 nhóm ưu tiên được xác định bao gồm những người có nguy cơ cao (trên 75 tuổi, những người mắc bệnh mãn tính, sau đó là người trên 65 tuổi); tiếp đến là nhân viên y tế hoặc người chăm sóc tiếp xúc gần với bệnh nhân; nhóm những người tiếp xúc gần với những người có nguy cơ cao; cuối cùng là những người sống hoặc làm việc trong các cơ sở có nguy cơ bùng phát dịch.

Tuy nhiên, việc tiêm chủng là không bắt buộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục