Dịch bệnh COVID-19 ngày 1/12: Thế giới có hơn 63,5 triệu ca mắc

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 274.289 ca tử vong trong tổng số 13.912.419 ca nhiễm, tiếp đó là Ấn Độ với 137.659 ca tử vong trong số 9.463.254 ca bệnh.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện Tisch ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện Tisch ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 1/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 63.569.891 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.473.407 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 43.952.712 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 274.289 ca tử vong trong tổng số 13.912.419 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 137.659 ca tử vong trong số 9.463.254 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 173.165 ca tử vong trong số 6.336.278 bệnh nhân.

Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 143 người tử vong. Tiếp đến là Peru (với 109 người), Tây Ban Nha 96 người và Italy 91 người.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 18,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 409.000 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 446.600 ca tử vong trong hơn 12,9 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 278.900 ca tử vong trong hơn 13,7 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 194.200 ca tử vong trong hơn 12,3 triệu ca nhiễm.

Tại châu Âu, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Người phát ngôn của Chính phủ Croatia cho biết: “Thủ tướng Plenkovic sẽ tiếp tục cách ly ở nhà trong 10 ngày. Ông hiện cảm thấy khỏe mạnh và ông sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ từ nhà riêng theo khuyến cáo của các bác sỹ và chuyên gia bệnh dịch học.”

[Moderna xin cấp phép sử dụng vắcxin COVID-19 tại Mỹ, châu Âu]

Trong khi đó, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo nếu người dân Đức không thận trọng, nước này sẽ đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba vào mùa Đông năm nay.

Theo Thủ tướng Merkel, ngoài các nhân viên y tế và những người đặc biệt dễ bị tổn thương, lực lượng cảnh sát cũng nằm trong nhóm cần được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 ngay từ đầu.

Dịch bệnh COVID-19 ngày 1/12: Thế giới có hơn 63,5 triệu ca mắc ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Á-Âu, ông Tigran Sargsyan cho biết Nga, Belarus và Armenia sẽ ra mắt ứng dụng di động "Du lịch không COVID-19" để đơn giản hóa việc đi lại của người dân trong không gian Á-Âu trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

“Traveling without COVID-19” là dự án chung của Quỹ Sáng kiến Kỹ thuật số do Ngân hàng Phát triển Á-Âu thành lập. Hiện ứng dụng này đang được thử nghiệm, trước đó phần mềm này đã được Hội đồng Liên chính phủ Á-Âu xem xét.

Tại châu Mỹ, Chính phủ Bolivia đã quyết định đình chỉ những hạn chế được chính quyền lâm thời của bà Jeanine Anez áp dụng trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, đồng thời cho phép nới lỏng các biện pháp giãn cách có hiệu lực đến ngày 15/1/2021, theo đó nối lại tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, xã hội, tôn giáo, giải trí.

Bộ trưởng Y tế Edgar Pozo cho biết quyết định trên là cơ sở để nước này có thể từng bước triển khai các biện pháp khôi phục nền kinh tế, tạo sự yên tâm cho người dân về những biện pháp phòng dịch của đất nước.

Mặc dù vậy, ông Pozo cho rằng Bolivia vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh và khuyến cáo người dân tuân thủ chặt chẽ những qui định về vệ sinh dịch tễ nơi công cộng.

Theo số liệu thống kê chính thức, đến nay Bolivia đã ghi nhận 144.622 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 8.952 ca tử vong.

Trong khi đó, Chính phủ Colombia thông báo quyết định kéo dài lệnh đóng cửa biên giới đường bộ và đường sông cho tới ngày 16/1/2021 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, trong khi các cửa khẩu đường biển sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 1/12 nhằm khôi phục từng bước các hoạt động hàng hải.

Giám đốc Cơ quan di trú Colombia Juan Francisco Espinosa cho biết chính phủ nước này cũng đang phối hợp với các nước láng giềng, cũng như chính quyền các địa phương để tìm kiếm cơ chế cho phép mở cửa trở lại tất cả các cửa khẩu một cách an toàn trong tương lai, không gây nguy hiểm về dịch bệnh cho du khách và các địa phương tiếp nhận.

Ông Espinosa cũng kêu gọi cộng đồng, đặc biệt là các địa phương có đường biên giới với các nước láng giềng, ngăn chặn việc sử dụng các con đường không chính thức để nhập cảnh vì việc này có thể khiến dịch bệnh lây lan mất kiểm soát. Các cửa khẩu của Colombia vẫn tiếp tục mở cửa cho các trường hợp ngoại lệ như khẩn cấp nhân đạo, vận chuyển hàng hóa, và bất khả kháng.

Theo thống kê chính thức, đến nay Colombia đã ghi nhận 1.308.376 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 36.584 ca tử vong và là một trong những quốc gia Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 cùng với Brazil và Argentina.

Dịch bệnh COVID-19 ngày 1/12: Thế giới có hơn 63,5 triệu ca mắc ảnh 2Kiểm tra thân nhiệt cho hành khách trước khi lên xe buýt tại Manila, Philippines. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại châu Á, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố thủ đô Manila sẽ tiếp tục duy trì các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt từ ngày 1/12 đến ngày 31/12 để tránh xuất hiện thêm làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong kỳ nghỉ lễ.

Tổng thống Duterte đã phê chuẩn kế hoạch của nhóm đặc nhiệm phòng, chống COVID-19 liên ngành, trong đó đặt vùng thủ đô Manila và 6 khu vực khác, vốn đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, vào tình trạng kiểm dịch cộng đồng chung (GCQ) cho tới hết năm 2020.

Tổng thống Duterte cũng yêu cầu người dân Philippines đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, đồng thời cảnh báo rằng một số quốc gia đang trải qua làn sóng COVID-19 thứ 3. Đến nay, Philippines đã ghi nhận tổng cộng 431.630 ca mắc COVID-19, trong đó có 8.392 người tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục