Địa phương kêu thanh kiểm tra chồng chéo, Thanh tra Chính phủ nói gì?

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan này sắp tới sẽ tổng kết, tham mưu cho Thủ tướng về hoạt động thanh tra để làm sao tăng hiệu quả, giảm chồng chéo.
Địa phương kêu thanh kiểm tra chồng chéo, Thanh tra Chính phủ nói gì? ảnh 1Phiên Họp Chính phủ trực tuyến với địa phương ngày 4/7. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu "kêu" việc tỉnh này phải tiếp nhiều đoàn thanh kiểm tra trong một năm.

Phát biểu tại phiên Họp Chính phủ trực tuyến với địa phương chiều 4/7, ông Châu cho biết thời gian qua, việc thanh kiểm tra, kiểm toán nhiều, trùng lặp đã khiến các địa phương mất nhiều sức để phục vụ các đoàn.

Ông tính toán, riêng năm 2018, tỉnh Hậu Giang phải tiếp 11 đoàn. Đây là số lượng theo ông là "quá nhiều." Vị này đề nghị các bộ, ngành Trung ương khi xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra phải cân nhắc, có sự liên thông, tránh trùng lắp.

[Doanh nghiệp có quyền từ chối quyết định thanh tra thuế?]

Lên tiếng sau đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa nhận, ý kiến của tỉnh Hậu Giang là "tình hình thực tế."

Theo ông, Thủ tướng Chính phủ biết việc này và đã có chỉ thị để tránh chồng chéo trong thanh kiểm tra.

Riêng với Thanh tra Chính phủ, trong kế hoạch năm 2019, cơ quan này đã giảm số lượng thanh tra thường xuyên khoảng 30%.

Tuy nhiên, theo ông, việc chồng chéo xuất phát từ thực tế đang có nhiều cơ quan thanh tra kiểm tra, kiểm toán.

"Hệ thống thanh tra có Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, ngành, Thanh tra tỉnh, thành, huyện, ngoài ra còn Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Kiểm tra các cấp," ông thống kê.

Ông Khái cho rằng, việc thanh kiểm tra thực hiện theo luật nhưng đối tượng có thể trùng. Ông lấy ví dụ, với một dự án, các cơ quan thanh kiểm tra đều có chức năng có thể vào cuộc.

Ngoài ra, cơ quan quyết định kế hoạch thanh kiểm tra theo ông là không tập trung. "Với Thanh tra Chính phủ là Thủ tướng Chính phủ, với tỉnh là Ủy ban Nhân dân tỉnh, với Kiểm toán Nhà nước là Tổng Kiểm toán Nhà nước xin ý kiến Quốc hội," Tổng Thanh tra Chính phủ lên tiếng.

Về giải pháp, ông đề nghị về lâu dài, cần phải tính toán tổng thể, ví dụ "anh nào kiểm tra báo cáo tài chính, anh nào kiểm tra ngân sách, tài sản công,...".

Ngoài ra, theo ông, việc xây dựng thanh tra, kế hoạch là vấn đề quan trọng. Kế hoạch cần xác định rõ phạm vi là bao nhiêu, đối tượng là mấy đơn vị,... Những yếu tố này nếu không được kiểm soát sẽ dễ dẫn tới vi phạm, chồng chéo.

Cuối cùng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan này sắp tới sẽ tổng kết, tham mưu cho Thủ tướng về hoạt động thanh tra để làm sao tăng hiệu quả, giảm chồng chéo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục