Địa phương để thanh tra chồng chéo phải chịu trách nhiệm với Thủ tướng

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, lãnh đạo địa phương nào cố tình để chồng chéo trong thanh tra sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (ngồi giữa) khẳng định, lãnh đạo địa phương nào cố tình để thanh tra doanh nghiệp chồng chéo sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhấn mạnh lại quan điểm của Chính phủ thanh tra doanh nghiệp một năm không quá một lần, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, lãnh đạo địa phương nào cố tình để chồng chéo trong thanh tra sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Nói điều này trong buổi họp báo tối 17/5, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhắc lại việc ngay trong chiều nay, Thủ tướng đã ký chỉ thị chấn chỉnh công tác thanh kiểm tra doanh nghiệp. Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là thanh tra doanh nghiệp không quá một lần trong năm.

Cụ thể, theo ông, thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố là đầu năm phải duyệt kế hoạch thanh tra của các đơn vị chức năng như: thuế, hải quan, xây dựng, công an, tài nguyên môi trường,…

Việc thanh tra đột xuất ngoài kế hoạch theo Bộ trưởng chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Dấu hiệu vi phạm ở đây được Bộ trưởng khẳng định là phải có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

“Ví dụ như doanh nghiệp không xử lý mà xả thải ra môi trường là vi phạm pháp luật, đó là chứng cứ rõ ràng,” Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng nói thêm, khi phát hiện có việc thanh tra chồng chéo, doanh nghiệp có thể báo cáo cơ quan có thẩm quyền là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố hoặc thậm chí cao hơn.


[Thủ tướng chủ trì họp giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp]

Ông khẳng định, nếu các địa phương, cơ quan không thực hiện chỉ thị Thủ tướng Chính phủ thì tùy thuộc mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định pháp luật.

“Nếu cố tình, biết mà vẫn để thanh kiểm tra chồng chéo thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, nếu vi phạm pháp luật thì sẽ xử lý theo đúng quy định,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

[Chủ tịch VCCI: Boeing cũng "bó tay" với điều kiện kinh doanh Việt Nam] 

Trước đó, trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng 17/5, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn khảo sát tại hơn 1.000 doanh nghiệp trong năm 2016 cho thấy, vẫn còn gần 14% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Cá biệt, có những doanh nghiệp bị thanh kiểm tra tới 9 lần một năm. Nội dung những cuộc thanh kiểm tra này có thể không trùng nhau nhưng ông cho rằng, đó là gánh nặng của doanh nghiệp.

Điều này được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh thêm một lần nữa trong hội nghị. Chính Bộ trưởng kể câu chuyện có doanh nghiệp ở Đồng Nai phải tiếp tới 3 đoàn thanh tra trong 1 tháng. Điều này theo Bộ trưởng đánh giá khiến cho 4,6 triệu hộ kinh doanh lo ngại chưa tự nguyện lên doanh nghiệp vì sợ bị thanh, kiểm tra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục