Địa điểm Lễ nhận Quốc thư đầu tiên được xếp hạng di tích Quốc gia

Địa điểm Lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại khu vực Đồi Giang, xóm Thắng Lợi, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ được nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia.
Di tích Hội trường nơi diễn ra Lễ trình Quốc thư đầu tiên của Việt Nam mới được đầu tư tôn tạo. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Ngày 31/8, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia địa điểm Lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại khu vực Đồi Giang, xóm Thắng Lợi, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ.

Dự buổi lễ có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cùng đông đảo người dân địa phương.

Tại địa điểm này, ngày 1/9/1954 đã diễn ra Lễ trình Quốc thư đầu tiên của Việt Nam được Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng hai nước và cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Việt Bắc.

Đây cũng là nhà nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam-Trung Quốc.

Từ đó đến nay, hai nước không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, hoạt động ngoại giao của nước ta cũng không ngừng được mở rộng.

Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 187 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, đồng thời có quan hệ kinh tế với hơn 220 thị trường nước ngoài và là thành viên của nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế như Cộng đồng Pháp ngữ, Liên hợp quốc, phong trào không liên kết, ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu, Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO...

[Di tích quốc gia đặc biệt Cụm tượng đài Kéo Pháo bị phá vỡ cảnh quan]

Để ghi dấu nơi diễn ra sự kiện lịch sử quan trọng của ngành Ngoại giao Việt Nam, năm 2011, địa điểm này đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên công nhận di tích cấp tỉnh.

Năm 2013, Bộ Ngoại giao đã đầu tư hơn 16 tỷ đồng để xây dựng Khu di tích với các hạng mục như Hội trường nhận Quốc thư, khu nhà bia ghi dấu nơi làm việc của Đại sứ quán Trung Quốc...

Hàng năm, huyện Đại Từ, xã Tiên Hội đều dành kinh phí trùng tu, bảo vệ, sửa chữa, chỉnh trang khuôn viên di tích, tư liệu, hiện vật nhằm tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của di tích.

Năm 2017, di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng là di tích Quốc gia, khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện lịch sử này đối với ngành ngoại giao Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm tuyến du lịch văn hóa lịch sử trên quê hương Cách mạng Đại Từ nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục