Địa điểm Chiến thắng Ấp Bắc - Di tích Quốc gia Đặc biệt ở Tiền Giang

Mỗi năm, Di tích Địa điểm Chiến thắng Ấp Bắc đón hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài nước, trở thành “địa chỉ đỏ” hấp dẫn cho khách tham quan, học tập, nghiên cứu khi đến Tiền Giang.
Địa điểm Chiến thắng Ấp Bắc - Di tích Quốc gia Đặc biệt ở Tiền Giang ảnh 1Dâng hương tại Tượng đài các chiến sỹ Gang thép. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Di tích Lịch sử Địa điểm Chiến thắng Ấp Bắc (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt theo Quyết định số 1649/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cách trung tâm thành phố Mỹ Tho khoảng 21km về hướng Tây, là nơi diễn ra trận đánh lớn nhất miền Nam kể từ sau Hiệp định Geneva.

Trong ngày 2/1/1963, quân dân ta trong thế “1 chọi 10” đã bẻ gãy trận càn lớn của trên 2.000 quân ngụy với cố vấn Mỹ chỉ huy. Trong trận này, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 450 tên giặc, phá hủy 3 xe lội nước M113, bắn rơi hàng chục máy bay trực thăng.

Quan trọng hơn, chiến thắng này đã làm phá sản chiến thuật "trực thăng vận và thiết xa vận" của kẻ thù, mở ra phong trào “thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” ở toàn miền Nam.

Chiến thắng Ấp Bắc có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh dấu bước phát triển mới về trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng tác chiến, khả năng xử lý tình huống linh hoạt, kịp thời, vận động chiến thuật phòng ngự thích hợp; thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường và ý chí, quyết tâm thắng địch của quân và dân ta trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt.

[Chiến thắng Ấp Bắc: Biểu tượng sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam]

Do thất bại nặng nề trong trận đánh, giặc cho pháo và máy bay ném bom vào trận địa Ấp Bắc, làm cháy nhiều nhà dân. Mặc dù vậy, các mẹ, các chị vẫn nấu cơm tiếp tế cho bộ đội. Từ đấy đã vang lên những câu ca dao ca ngợi tấm lòng của người dân Ấp Bắc: "Bom rơi thì mặc bom rơi/Chị em Ấp Bắc vẫn khơi bếp hồng/Thổi nồi cơm dẻo thơm nồng/Giúp anh bộ đội no lòng đánh hăng."

Vào năm 1993, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Chiến thắng Ấp Bắc, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Địa điểm Chiến thắng Ấp Bắc là Di tích cấp Quốc gia.

Để phát huy hiệu quả của Khu Di tích, năm 1994, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang và các cấp, các ngành thống nhất đầu tư xây dựng với quy mô lớn Khu Di tích Chiến thắng Ấp Bắc tại xã Tân Phú, huyện Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy) trên mảnh đất hoang hóa.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân tỉnh Tiền Giang, Khu Di tích Chiến thắng Ấp Bắc được xây dựng khá khang trang. Sau 4 lần mở rộng quy mô vào các năm 1994, 2003, 2008, 2013, khu di tích đã tương đối chỉn chu trên diện tích đất 25.137,6m2, gồm 3 khu.

Khu 1 gồm tượng đài hoành tráng “Tiểu đội Gang thép” bằng đồng, nặng 18 tấn (do nhà điêu khắc Nguyễn Hải phác thảo và thi công); nhà mộ 3 chiến sỹ Gang thép; khu trưng bày các hiện vật cùng thời (khẩu pháo 105mm, xe lội nước M.113, máy bay trực thăng); nhà khách; hồ cảnh, thảm cỏ, cây xanh và đường nội bộ. Đặc biệt, tại đây còn có ngôi mộ tháp (ngôi mộ này được Tiểu đội Gang thép dùng làm điểm tựa để đánh xe M.113), vết tích còn lại trong trận Ấp Bắc.

Địa điểm Chiến thắng Ấp Bắc - Di tích Quốc gia Đặc biệt ở Tiền Giang ảnh 2Toàn cảnh Di tích Quốc gia Đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Ấp Bắc. (Nguồn: Báo Ấp Bắc)

Khu 2 là nơi phục dựng căn cứ kháng chiến chống Mỹ ở Tiền Giang giai đoạn 1954-1975, gồm có mô hình phục dựng nhà họp Ban Chỉ huy, nhà ở bộ đội đóng quân, nhà Hội trường, nhà Công binh xưởng, nhà bếp, trảng xê, hầm chữ A, L, Z, công sự, thảm cỏ, cây xanh, đường nội bộ.

Khu 3 là Nhà trưng bày Chiến thắng Ấp Bắc với trên 140 ảnh, 200 hiện vật, mô hình, sa bàn diễn tả trận đánh và quảng trường, thảm cỏ, cây xanh. Bên cạnh đó, ngoài cánh đồng Ấp Bắc cũng như trên địa bàn xã Tân Phú còn có một số mô hình xe M.113 và máy bay bị bộ đội ta bắn cháy.

Ấp Bắc không chỉ là địa danh lưu giữ những hồi ức về một thời hào hùng trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, mà còn là điểm đến ý nghĩa để giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của các thế hệ đi trước.

Theo Ban Quản lý Di tích Quốc gia Đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Ấp Bắc, mỗi năm, nơi đây đón hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài nước, trở thành “địa chỉ đỏ” hấp dẫn cho khách tham quan, học tập, nghiên cứu khi đến Tiền Giang./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục